Top

Vụ khiếu nại kéo dài gần 30 năm ở quận Tân Phú (TP.HCM): Chính quyền xử lý bất nhất, dân hoang mang

Cập nhật 31/10/2013 08:58

Gần chục hộ dân sinh sống tại các số nhà từ 561 đến 577 đường Lũy Bán Bích, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú liên tục gửi đơn khiếu nại về các quyết định thu hồi đất liên quan đến bà Trần Thị Kim và 9 hộ dân sinh sống nơi đây nhưng đã gần 30 năm qua vẫn chưa có hồi kết.

Cho ít xuýt ra nhiều!

Theo hồ sơ, tài liệu mà chúng tôi thu thập được cho thấy: Năm 1932 ông Phùng Đức Vượng (chồng bà Trần Thị Kim) đứng tên sổ bộ khu đất tổng diện tích 1.890m2 thuộc sổ địa bộ 585, tờ bản đồ thứ 3, tọa lạc xã Phú Thọ Hòa, quận Tân Bình, (tức đường Lũy Bán Bích, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM ngày nay). Gia đình bà Kim sử dụng khu đất này để trồng hoa màu. Đến năm 1969, gia đình bà chuyển về quận 8 sinh sống, khu đất này được bà Kim giao lại cho bà Trần Thị Kim Hai trông coi.

Năm 1984, UBND quận Tân Bình ra quyết định số 238/QĐ-UB cho phép UBND phường 19 (cũ) được sử dụng khu đất này để xây dựng nhà ở cho CB-CNV. Năm 1986, UBND quận Tân Bình cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho 10 căn nhà được xây dựng trên khu đất nói trên, mỗi căn hộ có diện tích xây dựng là 40m2. Trong quá trình sinh sống tại đây, thấy phần đất còn lại phía sau khoảng hơn 500m2 còn bỏ hoang nên 10 hộ dân sử dụng trồng trọt, chăn nuôi; một số hộ xây nhà tạm làm kho (mỗi hộ 50m2, phần còn lại dành làm lối đi). Từ năm 1987, các hộ dân thực hiện nghĩa vụ kê khai đóng thuế Nhà nước phần nhà và cả đất lấn chiếm phía sau. Toàn bộ khuôn viên đất hiện hữu của từng hộ đều được Phòng Xây dựng quận Tân Bình (cũ) vẽ bản vẽ xác lập. Vài căn hộ sau đó đã mua bán, chuyển nhượng qua nhiều đời chủ đều có chứng thực của UBND các cấp; mọi giao dịch đều được chính quyền địa phương xác nhận nhà và đất không tranh chấp.


Mặt tiền 9 căn nhà đang tranh chấp.

Các quyết định không nhất quán

Tuy nhiên, đến năm 1997 lại xảy ra tranh chấp khi bà Kim nộp đơn đòi lại quyền sử dụng 1.890m2 đất. Ngày 2/7/1997, UBND quận Tân Bình ban hành Quyết định 70/QĐ-UB với nội dung: Không có căn cứ pháp lý để giải quyết bà Trần Thị Kim đòi lại QSĐ lô đất 1.890m2. UBND quận Tân Bình trình UBND TP.HCM xem xét cho phép gia đình bà Kim được sử dụng phần đất trống còn lại phía sau các hộ từ 141 đến 144 hương lộ 14, phường 18 quận Tân Bình (tức các căn hộ có số nhà từ 561 đến 577 đường Lũy Bán Bích ngày nay-PV).

Các hộ dân và cả bà Kim không đồng ý cách xử lý của UBND quận Tân Bình nên gửi đơn lên UBND TP. HCM và Văn phòng Chính phủ . Ngày 29/6/2000, Văn phòng Chính phủ có công văn số 2681/VPCP-VII truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn giao cho Tổng cục Địa chính kiểm tra và báo cáo lên Thủ tướng.

Ngày 27/7/2001, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản số 3329 /VPCP-VII đồng ý với Báo cáo số 968/TCĐC-TTr của Tổng cục Địa chính yêu cầu UBND TP.HCM ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại đối với 9 hộ dân. Ngày 4/3/2002, TP.HCM ban hành Quyết định 897/QĐ-UB về việc sửa đổi Quyết định 653/QĐ- UB ngày 1/9/1999, nội dung: “Bác đơn khiếu nại của bà Trần Thị Kim đòi lại QSD đất 1.890m2; Giao UBND quận Tân Bình kiểm tra và xem xét nhu cầu sử dụng của 10 hộ đối với phần đất 500m2 nằm phía sau 10 căn nhà và đề xuất hướng giải quyết trình UBND thành phố xem xét giải quyết".

Ngày 14/01/2008 UBND TP.HCM lại ban hành quyết định số 172/QĐ-UBND “Thu hồi và giao cho gia đình bà Trần Thị Kim sử dụng phần diện tích 739,5m2 có nguồn gốc là đất nông nghiệp. Không xem xét và bồi thường cho gia đình bà Kim đối với phần diện tích 400m2 do UBND quận Tân Bình thu hồi để xây 10 căn nhà cho cán bộ từ năm 1984. Đối với phần đất nằm trong lộ giới cũ và mới 218,8m2 (tức phần đất mặt tiền đường của 9 hộ dân-P.V), chấp nhận bồi thường theo giá đất nông nghiệp cho bà Kim. Đơn giá bồi thường sẽ được áp dụng theo chính sách quy định khi thực hiện dự án mở rộng đường Lũy Bán Bích”.

Như vậy, với quyết định này, thì 9 hộ dân sinh sống gần 30 năm qua tại đây không được đền bù phần đất mặt tiền khi bị giải tỏa để mở đường. Ngược lại họ còn có nguy cơ mất luôn phần đất ở phía sau mà họ đã khai thác và đóng thuế từ năm 1986. Họ cho rằng, quyết định 172/QĐ-UBND cho bà Trần Thị Kim hưởng phần 739,5m2 phía sau và 218,8m2 đất phía trước là phần đất bà Kim không sử dụng từ năm 1969, không kê khai thuế, không làm nghĩa vụ thuế từ sau ngày 30/4/1975 là không có cơ sở; Việc UBND TP. HCM giao cho UBND quận Tân Bình đền bù cho bà Kim giá trị QSĐ 400m2 đất mà UBND phường 19 (cũ) đã sử dụng để xây dựng 10 căn nhà tại đây là không có căn cứ pháp lý. Việc này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người dân đã sinh sống mấy mươi năm trên khu đất này.

Cưỡng chế, người dân hoang mang

Mặc cho sự việc chưa được giải quyết ổn thỏa, các hộ dân vẫn đang còn tiếp tục gửi đơn kêu cứu, nhưng ngày 21/8/2009 UBND quận Tân Phú ra quyết định 522/QĐ-CC Buộc tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng trái phép trên đất lấn chiếm. Nhận được thông tin này, 9 hộ dân tiếp tục gửi đơn khiếu nại đến các cấp chính quyền. Vụ cưỡng chế tạm dừng lại cho đến ngày 23/9/ 2013 UBND quận Tân Phú, một lần nữa, lại ra quyết định số: 4100/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động xây dựng số 522/QĐ-CC ngày 21/8/2009 nhưng vẫn bị các hộ dân khiếu kiện.

Qua nghiên cứu hồ sơ, chúng tôi nhận thấy rằng các văn bản và các quyết định của các cấp chính quyền không nhất quán, chồng chéo nhau gây nhiều tranh cãi. Vụ tranh chấp đất đai kéo dài hàng chục năm, trong khi chính quyền địa phương nhiều lần ra quyết định cưỡng chế khiến cho người dân nơi đây hoang mang, ảnh hưởng nghiêm trọng từ tinh thần đến vật chất, công việc luôn bị đảo lộn. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nhanh chóng xử lý vụ việc và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho 9 hộ gia đình đã mấy mươi năm sinh sống và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng thuế trên mảnh đất này.

DiaOcOnline.vn - Theo Công Luận