Top

Việt Nam nên đầu tư nhiều hơn vào các dự án hạ tầng

Cập nhật 09/10/2013 10:20

Dù những năm qua, thị trường bất động sản trầm lắng nhưng vẫn có chủ đầu tư thực hiện những dự án có chất lượng cao, mang giá trị bền vững.


Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, quy hoạch đô thị. Vì vậy, vẫn có một phân khúc rất tiềm năng phát triển.

Song, với những yêu cầu ngày càng cao của các chủ đầu tư, các tập đoàn, doanh nghiệp khi tham gia vào việc tư vấn thiết kế các dự án cần phải có nhiều thời gian tìm hiểu, suy tính thận trọng, kỹ lưỡng. Nếu làm theo kiểu thắng nhanh, rút gọn, sẽ không có những dự án vững bền về lâu dài.

Ở Việt Nam những năm qua, song hành với các dự án bất động sản thì dự án về khu du lịch cũng đang phát triển, vì vậy theo chúng tôi, Việt Nam nên đầu tư nhiều hơn vào các dự án hạ tầng vì đó là cách để thu hút khách đến với các dự án du lịch.

Về các dự án hạ tầng, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến các dự án thiết kế hệ thống tàu điện ngầm. Do chưa có kinh nghiệm về xây dựng Metro nên những năm gần đây, Việt Nam cũng có nhiều tập đoàn nước ngoài có kế hoạch đầu tư các dự án này.

Mới đây, chúng tôi đã trao đổi với UBND TP.HCM để đề xuất thực hiện các dự án tàu điện ngầm và nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các vị lãnh đạo. Tuy nhiên, việc thiết kế những dự án này không hề đơn giản, đòi hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật rất nghiêm ngặt.

Chẳng hạn, khi xây dựng tuyến Metro nằm trong khu vực đông dân hoặc những khu vực có di tích lịch sử hoặc di sản văn hóa thì việc tính toán rất khó. Ở Trung Quốc, khi xây dựng những công trình ngầm thì nhiều tòa nhà bên trên bị đổ sập xuống.

Riêng tại Việt Nam, khó khăn đặc trưng nhất là thành phố được xây dựng trên nền đất mềm và có thể bị dịch chuyển nhiều hơn so với các thành phố nằm trên đá hoặc đất cứng.

Vì vậy phải rất cẩn trọng khi đào đắp nhữngcông trình ngầm ở khu vực này vì nó có thể dịch chuyển các tòa nhà bên trên, tạo ra những vết nứt. Cộng với đặc thù địa lý của Việt Nam là hệ thống sông ngòi chằng chịt. Nếu không tính kỹ, các dự án này sẽ không chỉ không bền vững, mà việc khắc phục sẽ khó khăn và tốn kém.

Một kinh nghiệm tôi muốn chia sẻ, đó là khi tính toán dự án, cần đặt ra sự chậm trễ như là một rủi ro. Bởi, khi vào thị trường mới hoặc tiếp cận dự án mới, dù kinh nghiệm hàng chục, hàng trăm năm cũng cần phải tìm hiểu kỹ địa chất, địa hình..., không thể dục tốc bất đạt.

Và muốn có dự án bền vững thì điều quan trọng không kém, đó là phải có những chuyên gia chuyên ngành, phải có sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác địa phương và trao đổi thông tin với các nhà thầu bản địa. Bởi một dự án thường có rất nhiều các công đoạn đòi hỏi sự chi tiết và cụ thể, kỹ càng.

Ví dụ, đối với các đoạn ngầm thì cần phải gắn tín hiệu như thế nào, đặt đường ray như thế nào để đảm bảo tiêu chuẩn... Tất cả những điều đó đòi hỏi sự chính xác rất cao. Và việc hợp tác thật tốt với các nhà thầu khi thi công sẽ đóng góp rất lớn để tạo ra những dự án bền vững.

ALEX WINCHESTER, Giám đốc Thương mại Tập đoàn Atkins, khu vực châu Á Thái Bình Dương

DiaOcOnline.vn - Theo Doanh nhân Sài gòn