Top

Việc làm cho nông dân sau thu hồi đất: “Nghìn lẻ” khó khăn

Cập nhật 06/12/2008 09:30

Thu hồi đất nông nghiệp phục vụ phát triển công nghiệp, dịch vụ thời gian qua đã góp phần rất lớn vào việc phát triển nền kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, "hậu thu hồi đất" đã để lại không ít khó khăn cho nông dân và những chính sách giải quyết vẫn bộc lộ nhiều bất cập.

Thu hồi đất - nông dân thất nghiệp

An Khánh (Hoài Đức) là xã có nhiều dự án đô thị, công nghiệp đầu tư vào địa bàn nhưng nghịch lý là hầu hết lao động đang thiếu việc làm. Theo ông Nguyễn Việt Hướng, Phó Chủ tịch UBND xã thì từ năm 2001 đến nay, xã An Khánh đã phải thu hồi 380 ha/510 ha đất nông nghiệp cho phát triển công nghiệp, đô thị. Số diện tích còn lại đã nằm trong quy hoạch các dự án.

Vì thu hồi đất trong thời gian ngắn, nông dân không kịp chuyển đổi nghề nên phần lớn sinh nhai bằng cách "chạy" ra nội thành làm thuê và buôn bán lặt vặt, cuộc sống rất bấp bênh. Hiện nay, 5/6 thôn của xã đã bị thu hồi hết diện tích đất nông nghiệp. Mặc dù các DN đã sản xuất ổn định ở cụm CN xã nhưng số lao động ít ỏi (100 người) vào làm tại các DN đã bỏ hết do phần lớn là lao động phổ thông, lương thấp không trụ nổi.

Theo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, mỗi năm cả nước có gần 200.000 ha đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích, tương ứng với mỗi hộ có khoảng 1,5 lao động mất việc làm. Còn theo thống kê của Bộ NN&PTNT, do thực hiện thu hồi đất, đã có khoảng 2,5 triệu nông dân trên cả nước bị ảnh hưởng đến đời sống. Không còn đất đồng nghĩa với nông dân thất nghiệp.

Chính sách hỗ trợ, đào tạo nghề còn nhiều bất cập


Thời gian qua, chính sách hỗ trợ nông dân sau thu hồi đất chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định cuộc sống đã bộc lộ nhiều bất cập cả về quy cách hỗ trợ giải quyết việc làm và công tác đào tạo nghề cho người lao động. Theo ông Nguyễn Việt Hướng, Phó Chủ tịch UBND xã An Khánh: Việc hỗ trợ đào tạo nghề cho nông dân dưới hình thức chi trả trực tiếp bằng tiền khiến phần lớn người dân sử dụng tiền để mua sắm, ít người đầu tư cho học hay chuyển đổi nghề. Vì thế mới có nghịch lý "nhà cao tầng mọc lên, nhưng gia chủ lo ăn từng ngày". Mặt khác, phần lớn các DN vào đầu tư tại các khu, cụm CN đều cam kết tiếp nhận lao động nhưng thực tế tiếp nhận chẳng được bao nhiêu. Bà Hoàng Thị Thạch, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ việc làm nông dân Hà Nội cho biết: Hiện nay, số lao động đã qua đào tạo nghề trên địa bàn mới chỉ đạt 26%, nên có tình trạng DN thiếu lao động mà dân vẫn thất nghiệp.

Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nông dân ổn định việc làm và đời sống đang đòi hỏi rất nhiều những giải pháp đồng bộ. Trong đó, đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho người lao động phải là giải pháp quan trọng hàng đầu. Thành phố Hà Nội đang nghiên cứu để thay đổi việc hỗ trợ tiền học nghề, chuyển đổi nghề sang cấp thẻ học nghề cho nông dân sau thu hồi đất. Theo đó, mỗi thẻ có trị giá 6 triệu đồng được phát cho các hộ gia đình bị thu hồi đất từ 30% diện tích trở lên. Ngoài ra, để hỗ trợ nông dân, mỗi địa phương cần xây dựng kế hoạch cụ thể về đào tạo nghề cho trúng và đúng với ngành nghề mà huyện thu hút đầu tư.

* Tại hội thảo khoa học về số phận nông dân sau giải tỏa đền bù đất do Hội Nông dân Việt Nam tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 2-12-2008 vừa qua, ông Nguyễn Văn Rảnh, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố đã đưa ra con số đáng ngại: Ở một huyện ngoại thành, 50% số hộ nông dân có đất bị giải tỏa có cuộc sống không bằng nơi ở cũ, 35% số hộ sống trung bình.

* Từ tháng 7-2008, Hội Nông dân Long An tổ chức khảo sát về vấn đề này, kết quả cho thấy hơn 50% số hộ nông dân bị thu hồi đất ở tỉnh Long An dùng tiền đền bù đất mua sắm vật dụng trong gia đình. Tỷ lệ nông dân Long An đầu tư cho sản xuất, kinh doanh chỉ gần 30%. Sau khi nhận tiền bồi thường, số hộ dân đủ điều kiện xây nhà trên đất tái định cư ở Long An chỉ chiếm hơn 2% nên đa số phải "bán lúa non" tái định cư hoặc tái định cư chưa hoàn chỉnh.


DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới