Top

Việc hoàn thiện cầu Thanh Trì: Vẫn chậm do giải phóng mặt bằng

Cập nhật 17/06/2009 09:10

Dù đã thông xe hơn 2 năm, nhưng các hạng mục khác của cầu Thanh Trì vẫn chưa hoàn thiện nên cây cầu này chưa thể phát huy hết hiệu quả của nó. Hiện vướng mắc của cây cầu này vẫn là tắc trong việc giải phóng mặt bằng (GPMB).

Đã xong đường dẫn kết nối với QL5

Bất cứ cây cầu nào được xây dựng qua sông Hồng cũng là niềm mong đợi của người dân; bởi nó càng sớm được đưa vào khai thác ngày nào, càng giúp giảm tải cho cầu Chương Dương hiện đang quá tải, gây ùn tắc liên tục ngày ấy. Thế nên khi cầu Thanh Trì thông xe phần cầu chính và kết nối với hệ thống giao thông hiện tại bằng đường tạm, cầu Thanh Trì đã hỗ trợ đắc lực cho giao thông - đặc biệt là xe tải.

Trên thực tế và theo thiết kế, cầu Thanh Trì nối với đoạn phía nam vành đai 3 tạo thành tuyến giao thông hết sức quan trọng của thủ đô, giảm tải phương tiện từ phía bắc xuống phía nam, không qua nội đô Hà Nội. Nhưng hiện do hệ thống giao thông kết nối chưa hoàn thiện, nên cây cầu chưa thể phát huy tác dụng như thiết kế.

Cụ thể, từ khi cầu chính thông xe vẫn nối với QL5 bằng hệ thống đường tạm. Đây là tuyến đi rất kinh tế, nên lưu lượng xe lớn trong khi đường tạm không bảo đảm chất lượng, nên tình trạng ùn tắc giao thông trên QL5 luôn xảy ra. Tuy nhiên, gói thầu số 2 - thi công đường phía Gia Lâm, đã được nhà thầu Obayashi thông xe vào tháng 1.2009 và hoàn thành vào tháng 3.2009.

Mặc dù hạng mục này được khởi công từ tháng 3.2005 và theo kế hoạch phải hoàn thành từ tháng 3.2008, nhưng do vướng mắc nghiêm trọng trong công tác GPMB khiến tiến độ gói thầu bị kéo chậm nhiều tháng. Song dù muộn vẫn tốt vì hiện nay, việc đưa vào sử dụng đường dẫn phía Gia Lâm đã giúp kết nối với QL5 thông suốt và giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc trên tuyến đường vốn có mật độ giao thông quá cao này.

Như vậy, một phía đường dẫn nối cầu với hệ thống giao thông hiện tại đã xong, chỉ còn một phía đang cần nỗ lực thông đường.

Lại mắc giải phóng mặt bằng ...

Theo Ban quản lý Thăng Long, phần đường dẫn phía Thanh Trì còn lại thuộc gói thầu số 3 - do liên danh Sumitomo, TCty XD Thăng Long và Cienco 8 thi công đã đạt trên 52% khối lượng (trong đó phần đường đạt 90% và cầu đạt 70%). Phần đường gom trái và đường gom phải cũng cơ bản hoàn thành.

Dự kiến tháng 7 có thể hoàn thành gói thầu, song khó khăn nảy sinh tại gói thầu 3A xây dựng cầu cạn Pháp Vân (tính từ trụ P18 của nút giao Pháp Vân vượt qua bán đảo Linh Đàm, nối vào dự án đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch- Pháp Vân) và gói thầu 6 xây dựng cầu Phù Đổng 2 - do liên danh TCty XD Thăng Long - Cienco 1 - Cienco 4 thực hiện.

Hạng mục cầu cạn được khởi công từ tháng 9.2008, cho đến nay đã hoàn thành được hơn 240 cọc khoan nhồi từ trụ P19- trụ P34. Nhưng sau hơn 9 tháng xây dựng, tiến độ của gói thầu này chỉ đạt khoảng 15%.

Ngoài ra, cầu Phù Đổng 2 được khởi công vào tháng 10.2008, song tiến độ thi công cũng chậm. Khó khăn lớn nhất của cả hai gói thầu này vẫn là công tác GPMB, đặc biệt trong công tác xác định nguồn gốc đất của các hộ dân thuộc huyện Gia Lâm và quận Hoàng Mai.

Tính đến nay, với hạng mục cầu cạn, các địa phương cũng chỉ bàn giao đến 90% mặt bằng và kiểm đếm xong các hộ dân thuộc diện di dời mà chưa thể dứt điểm về GPMB. Gói thầu xây dựng cầu Phù Đổng 2 cũng mới bàn giao được 85% mặt bằng. Kết quả là tiến độ xây dựng của hạng mục này chậm so với yêu cầu...

Theo Ban quản lý dự án Thăng Long, sáng 17.6, UBND thành phố Hà Nội có kế hoạch họp bàn tháo gỡ vướng mắc cho công tác GPMB dự án. Đồng thời, Văn phòng Ban chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT và Bộ GTVT đang tìm cách tháo gỡ các vướng mắc khách quan làm chậm tiến độ dự án.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động