Top

Vì sao giá đất không giảm?

Cập nhật 23/01/2008 11:00

Khác với các lần trước, khi có chính sách liên quan đến nhà đất, lập tức thị trường bất động sản (BĐS) có phản ứng, nhưng lần này đã nửa tháng kể từ khi Thủ tướng ban hành chỉ thị về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển quản lý thị trường BĐS, thị trường nhà đất TPHCM chưa có phản ứng nào đáng kể.

Giá đất ở TPHCM không những không giảm, mà còn tiếp tục leo thang và lan rộng ra các tỉnh, thành lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu... Vì sao có chuyện lạ này?

Thiếu kênh đầu tư...

Các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về thị trường BĐS tỏ ra khá ngạc nhiên về việc thị trường BĐS thành phố không hề có biểu hiện bị ảnh hưởng bởi thông tin Thủ tướng có chỉ thị về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển quản lý thị trường BĐS.

Không những vậy, giá đất TP trong những ngày cuối năm vẫn tiếp tục nóng. Đất trong dự án của Cty Vạn Phát Hưng tại quận 7 mấy hôm trước mới chỉ 40 triệu đồng nay đã được "hét" giá 45 - 50 triệu đồng/m2. Tương tự, giá đất dự án lân cận khu đô thị mới Thủ Thiêm, Nam Sài Gòn mỗi ngày giới cò hô một giá.

Lý giải hiện tượng vì sao thị trường nhà đất TP gần như không có phản ứng gì trước thông tin trong tương lai sẽ có loại thuế chống đầu cơ đất đai, các chuyên gia cho rằng sở dĩ thị trường nhà đất vẫn giữ được nhiệt vì hiện nay thiếu các kênh đầu tư.

Một trong 2 kênh thu hút vốn đầu tư lớn nhất trong vài năm trở lại đây là thị trường chứng khoán, trong năm 2007 và đầu năm 2008 đã lao dốc không phanh. Chính vì vậy dẫn đến chuyện rút vốn tháo chạy đã diễn ra rầm rộ vào giai đoạn được xem là nhạy cảm nhất là cuối năm 2007 đầu năm 2008 (cận Tết).

Đối với đại bộ phận người dân không ít thì nhiều đều có tiền nhàn rỗi, trước đây nguồn vốn này nằm trong ngân hàng nhưng năm 2007 tỉ lệ lạm phát quá cao, khiến cho lãi suất ngân hàng thực chất là bị âm.

Trong khi đó, thị trường nhà đất lại nằm trong hoàn cảnh hoàn toàn ngược lại, giá nhà đất liên tục gia tăng trong một thời gian dài. Như một quy luật tất yếu, các kênh đầu tư khác không còn hấp dẫn, nguồn vốn trong xã hội đổ dồn vào thị trường BĐS là điều dễ hiểu.

Có chống được đầu cơ

Một hướng lý giải khác về hiện tượng thị trường BĐS chậm phản ứng với các thông tin bất lợi đó là hiện nay chúng ta chưa có cơ chế chống đầu cơ, trong trường hợp có cơ chế chống đầu cơ nhưng nếu không kiểm soát được giao dịch trên thị trường BĐS cũng khó có thể chống được đầu cơ.

Theo ông Nguyễn Thành Đức - Phó TGĐ Cty TNHH BĐS Phát Hưng (Cty sở hữu hệ thống Siêu thị căn hộ Sài Gòn) nếu áp dụng thuế luỹ tiến để chống đầu cơ như báo chí phản ánh thì rất khó thực hiện. Bởi để xác định được người nào sở hữu nhiều hay ít BĐS phải căn cứ vào thông tin đăng bộ ở trung tâm thông tin TNMT thuộc sở TNMT của các tỉnh, thành.

 Trên thực tế, đây chỉ là công đoạn cuối cùng của một quá trình mua bán chuyển nhượng BĐS và không phải bất cứ giao dịch BĐS nào cũng trải qua khâu này. Trong khi đó, giao dịch trên thị trường dưới nhiều hình thức và đại đa số chưa đi đến giai đoạn cuối là trước bạ sang tên.

Chẳng hạn như hợp đồng chuyển nhượng hợp đồng góp vốn; chuyển nhượng hợp đồng hứa mua hứa bán... Hơn nữa hầu hết các dự án phát triển nhà ở, đất ở đều giao dịch khi các căn nhà thửa đất chưa có giấy hồng. Còn muốn kiểm soát qua trung tâm thông tin TNMT chỉ có một phần BĐS đã có giấy hồng là đáp ứng được.

Theo các chuyên gia, muốn chống được đầu cơ thì phải kiểm soát được giao dịch dưới mọi hình thức như giấy mua bán, hợp đồng chuyển nhượng góp vốn, hợp đồng chuyển nhượng quyền mua căn hộ... trên thị trường BĐS. Đặc biệt, là phải kiểm soát được hoạt động của các Cty môi giới mua bán BĐS (hiện tại TPHCM có khoảng 5.000 Cty dạng này).

Theo Lao Động