Trong khi đề án mở rộng Hà Nội còn chưa ngã ngũ tại Quốc hội thì ở Hà Tây, tâm lý chờ đợi của người dân, doanh nghiệp, cán bộ công chức đang khiến cho tiến độ các dự án bất động sản tại đây đình trệ.
"Cò đất" giật dây
Cả tháng nay, hơn 3.000 hộ dân thuộc xã Dương Nội (TP Hà Đông, Hà Tây) chỉ có mỗi việc là hằng ngày kéo đến trụ sở UBND xã đòi đối chất với chính quyền về việc bồi thường đất đai, đòi không giao đất cho các dự án... Người dân Dương Nội bức xúc vì nhiều chuyện nhưng cơ bản là việc chính quyền đã thu hồi gần như toàn bộ đất canh tác (370 ha) của xã để triển khai 15 dự án, trong đó có 2 dự án đường giao thông lớn và 13 dự án phát triển khu đô thị. Một số hộ dân không chấp nhận giao đất theo quyết định thu hồi vào thời điểm này vì cho rằng, khi Hà Tây hợp nhất với Hà Nội thì họ sẽ được hưởng giá đền bù cao hơn.
Một cán bộ UBND xã Dương Nội khẳng định, việc người dân khiếu kiện kéo dài là do bị kích động bởi các "cò đất" xuất hiện ngày càng nhiều ở Dương Nội. Ông này dẫn chứng, hơn 30 ha đất của dự án đường Lê Văn Lương kéo dài được thu hồi rất nhanh do chính sách bồi thường hợp lý nhưng 2 ha còn lại thì đã 3 tháng vẫn giậm chân tại chỗ. "Khi thông tin đề nghị hợp nhất với Hà Nội rò rỉ, các "cò đất" Hà Nội đã tràn về Dương Nội mua gom đất nông nghiệp giá rẻ của nông dân với hy vọng chuyển đổi được mục đích sử dụng. Nhưng khi biết không thể làm được thì quay ra kích động dân đòi mức đền bù cao hơn", ông này tiết lộ.
Ông Trịnh Bá Nhân, Bí thư Đảng ủy xã Dương Nội, cho biết: giá đền bù về đất trên địa bàn hiện là 180.000 đồng/m2, cây hoa màu được tính mức giá tối đa, cộng với mỗi hộ bị thu hồi đất được giao 50m2 đất dịch vụ. "Tính tổng cộng trung bình mỗi hộ gia đình bị thu hồi 3 sào đất nông nghiệp sẽ được bồi thường bằng tiền quy đổi là 800 triệu đồng. Mức giá này thậm chí còn cao hơn cả mức đền bù khi thu hồi đất nông nghiệp của Hà Nội", ông Nhân tính toán.
Trả lời báo chí, đại diện Tập đoàn Nam Cường, chủ đầu tư trục phát triển phía bắc TP Hà Đông và khu đô thị Dương Nội khẳng định, công ty này chưa có bất kỳ kế hoạch kinh doanh nào tại khu đô thị Dương Nội. Nhưng ông này cũng thừa nhận, chính những thông tin rao bán nền đất Dương Nội xuất hiện tràn lan trên mạng (từ 17-18 triệu đồng/m2) đã gây khó khăn cho doanh nghiệp khi tiếp xúc với dân.
Doanh nghiệp chán nản
Không chỉ riêng 15 dự án tại Dương Nội mà hầu hết trong số hơn 130 dự án trên địa bàn tỉnh Hà Tây hiện nay đều gặp khó khăn về tiến độ mà nguyên nhân chính là tâm lý chờ đợi quyết định hợp nhất Hà Tây với Hà Nội. Ngay cả các cán bộ cũng ngại đụng chạm đến những vấn đề tế nhị, đặc biệt liên quan đến dân trong đền bù, giải phóng mặt bằng.
Cuộc đối thoại kéo dài suốt 7 giờ đồng hồ của ông Lê Hồng Thăng, Chủ tịch UBND TP Hà Đông, với người dân xã Dương Nội hôm 30.4 đã không mang lại kết quả như mong muốn. Đa phần những thắc mắc của người dân không được giải thích thấu đáo. Ông Thăng cũng không làm cho người dân hiểu rằng, không phải đợi đến lúc hợp nhất với Hà Nội, mà đô thị hóa là xu hướng tất yếu của Hà Đông và Hà Tây.
Giải quyết việc làm và ổn định đời sống của người nông dân trong quá trình đô thị hóa là việc cần phải làm nhưng việc thực hiện quy hoạch là trách nhiệm của cả chính quyền và người dân. Các doanh nghiệp được hỏi đều tỏ ra chán nản với cảm giác bị bỏ rơi. Trong khi tiến độ dự án cũng như áp lực về hiệu quả đồng vốn bỏ ra đòi hỏi họ phải đẩy nhanh các công trình đang và sẽ xây dựng.