Đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp nhường chỗ cho các khu công nghiệp, khu đô thị. Ảnh: Như Ý. |
Bộ NN&PTNT vừa đưa ra lấy ý kiến đóng góp xây dựng dự thảo trình Chính phủ ban hành nghị định nhằm bảo vệ nghiêm ngặt diện tích đất trồng lúa. Nhiều ý kiến đã đi tới sự đồng thuận bằng việc tăng giá đền bù đất nông nghiệp trong giai đoạn tới để hạn chế đến mức thấp nhất chuyển đất lúa sang các mục đích phi nông nghiệp.
"Bờ xôi ruộng mật" ngày càng bị thu hẹp
Trong những năm qua, công cuộc công nghiệp hóa, đô thị hóa, mời gọi đầu tư của các địa phương, trong đó có thành phố Hà Nội đã làm thay đổi rõ rệt bộ mặt nông thôn. Tuy nhiên, sau sự thay đổi đó là hàng loạt vấn đề phức tạp. Ruộng đất ngày càng bị thu hẹp, hàng vạn nông dân sau khi giao đất sản xuất cho các nhà đầu tư, nhận tiền đền bù đã vội vàng xây dựng nhà cửa, mua sắm đồ đạc sinh hoạt. Rồi một thời gian sau, họ "trắng tay" vì mất tư liệu sản xuất, thu nhập đi xuống.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tính đến ngày 1-1-2008, diện tích đất lúa toàn quốc còn lại là 4,1 triệu héc-ta. Nhìn lại quá trình sử dụng đất nông nghiệp thời gian qua cho thấy, trong giai đoạn 1995-2000, diện tích đất lúa hằng năm đều tăng cả về diện tích và chất lượng do người dân khai hoang mở rộng diện tích lúa từ đất chưa sử dụng và kết quả từ chương trình thủy lợi ngọt hóa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), cải tạo đất bỏ hóa do nhiễm phèn để đưa vào trồng lúa. Nhưng đến giai đoạn 2000-2007, diện tích lúa cả nước liên tục giảm (khoảng 555 nghìn héc-ta). Trong đó, vùng ĐBSCL có diện tích đất lúa giảm nhiều nhất, lên tới 205 nghìn héc-ta, chiếm 57% tổng diện tích của cả nước. Tại khu vực phía Bắc, thành phố Hà Nội là một trong những tỉnh, thành phố có tỷ lệ giảm diện tích đất lúa chuyển đổi sang phát triển khu công nghiệp và đô thị khá cao. Việc các địa phương ồ ạt chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp đã làm cho sản lượng lúa bình quân cả nước mỗi năm giảm từ 400 - 500 nghìn tấn.
Bộ NN&PTNT nhận định, đến năm 2020 dân số cả nước khả năng sẽ lên 100 triệu người, đến năm 2030 sẽ là 110 triệu người. Do đó, tổng nhu cầu thóc năm 2020 phải là 35,2 triệu tấn và năm 2030 là 37,3 triệu tấn. Như vậy, nhu cầu tối thiểu về diện tích đất lúa để đáp ứng với mức dân số tại các mốc thời gian trên từ 3,6 - 3,8 triệu héc-ta, trong đó đất chuyên lúa nước là 3,2 triệu héc-ta. Nhiều ý kiến của các bộ, ngành cho rằng, với diện tích như trên, nếu như nước ta không đầu tư xứng đáng cho nông nghiệp sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực và xuất khẩu lúa gạo.
Giám sát việc chuyển đổi đất lúa
Hiện nay, 70% dân số cả nước vẫn sống dựa vào nông nghiệp. Ngay như Thủ đô Hà Nội được đánh giá là địa phương có tốc độ đô thị hóa, kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng vẫn còn tới trên 60% dân số nương cậy vào sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, đất nông nghiệp - nơi bảo đảm "miếng cơm, manh áo" cho nông dân đã trở nên "chật cứng" nên cần phải có những chính sách để bảo vệ nghiêm ngặt đất lúa.
Tại Hội thảo chiến lược bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và quy hoạch đất trồng lúa đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, nhằm tìm ra các giải pháp bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh diện tích lúa đang ngày một suy giảm vừa tổ chức, Bộ NN&PTNT cho biết, dự thảo nghị định đặt ra nguyên tắc chuyển đổi tiết kiệm đất lúa. Theo đó, sẽ tăng cường phát triển công nghiệp, đô thị trên đất đồi, đất cát ven biển, hạn chế tối đa việc lấy đất lúa nước sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp. Đối với lãnh đạo các địa phương, cấp tỉnh chỉ có quyền cấp phép chuyển đổi đất nông nghiệp liền vùng dưới 5ha, mức cao hơn phải báo cáo với Thủ tướng Chính phủ. Điều đáng lưu ý là, dự thảo nghị định cũng đưa ra giá bồi thường đất lúa ở mức cao. Đơn cử như vùng đất thích hợp trồng lúa nước, giá đền bù sẽ cao gấp 2 lần giá đất thổ cư ở cùng thời điểm. Còn ở vùng đất ít thích hợp với lúa nước, giá đền bù cũng cao hơn gấp 3-4 lần giá đất nông nghiệp khác. Mục đích lớn nhất của nghị định là tăng cường quản lý được đất nông nghiệp nói chung, đặc biệt là đất lúa để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, song cũng không được ảnh hưởng tới quá trình CNH-HĐH đất nước.
Một số ý kiến cho rằng, ban hành cơ chế chính sách thế nào để giúp người trồng lúa nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, đó mới là giải pháp hữu hiệu để bảo vệ diện tích đất trồng lúa. Do đó, nếu đặt mục tiêu an ninh lương thực thì Nhà nước cần có chính sách đầu tư mạnh cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó ưu tiên các lĩnh vực quan trọng như phát triển hạ tầng để hàng hóa có thể lưu thông đến mọi vùng miền, tạo điều kiện cho người dân trồng lúa. Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho rằng, vấn đề căn bản là phải giải quyết được mâu thuẫn giữa việc giữ được đất nông nghiệp với việc thực hiện mục tiêu CNH- HĐH đất nước. Ý tưởng của nghị định là hạn chế đến mức thấp nhất việc dành những vùng đất tốt cho mục đích công nghiệp hóa, đô thị hóa bằng việc tăng giá bồi thường GPMB. Nếu không tính toán cụ thể, để tồn tại tình trạng chuyển đổi đất thiếu quy hoạch, thiếu kiểm soát như hiện nay thì đến năm 2020 nước ta không còn đủ quỹ đất để bảo đảm nhu cầu lương thực trong nước.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới