Top

Các khu công nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long

Vẫn trống và lãng phí - vì sao?

Cập nhật 06/01/2010 08:35

Những năm gần đây, hàng loạt các khu công nghiệp (KCN) ở các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mọc lên như nấm sau mưa. Việc phát triển ồ ạt, trong khi khả năng thu hút đầu tư còn nhiều hạn chế, khó khăn, khiến không ít các KCN đang “nằm đợi” các nhà đầu tư, gây tình trạng lãng phí không nhỏ tiền bạc của Nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp.

Đất “nằm đợi” nhà đầu tư

Một ví dụ điển hình cho tình trạng không thể lấp đầy là KCN Trần Quốc Toản (thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) được xây dựng từ năm 2002 trên diện tích 140ha. Đến nay, dù 40% diện tích đất đã được triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh, nhưng chỉ mới có một vài nhà máy đi vào hoạt động...
 

Khu công nghiệp Hưng Phú 1 (thành phố Cần Thơ) bỏ hoang đã hơn chục năm.


KCN An Nghiệp (tỉnh Sóc Trăng) với tổng diện tích quy hoạch là 178ha, sau một thời gian dài xây dựng, nay mới có 17 doanh nghiệp thuê 82,9ha đất. Tại An Giang, trong khi các KCN như Bình Long (huyện Châu Phú), Bình Hòa (huyện Châu Thành) đất đai phần lớn bỏ trống, lèo tèo vài nhà máy, tỉnh vẫn tiếp tục xây dựng KCN Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên) và tiếp tục bỏ trống.

Ngay tại thành phố Cần Thơ, KCN Hưng Phú 1, diện tích 162ha, nằm trên địa bàn quận Cái Răng cũng trong tình trạng tương tự. Lãnh đạo thành phố Cần Thơ đã nhiều lần yêu cầu các nhà đầu tư ở KCN này phải khẩn trương triển khai các dự án trong năm 2009, phấn đấu hoàn thành việc đầu tư cơ sở hạ tầng từ 60% diện tích trở lên để đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp của thành phố trong thời gian tới.

Thế nhưng đến nay KCN vẫn chỉ là bãi đất trống, cỏ mọc lút đầu (ngoại trừ vài chiếc cọc bê tông được đóng để xây dựng nhà cho ban quản lí khu công nghiệp).

Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ, hiện toàn vùng ĐBSCL có 20 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 3.645ha, diện tích đất đã cho thuê hơn 810ha, đạt tỉ lệ hơn 22%.

Ngoài ra, các tỉnh ĐBSCL còn lập 177 cụm công nghiệp (CCN) với diện tích 15.457ha; trong đó, chỉ có 15 cụm được các doanh nghiệp thuê đất hơn 700ha, tỉ lệ chỉ đạt 4,5% tổng diện tích quy hoạch. Như vậy, các tỉnh ĐBSCL có tới 17.690ha trong tổng số 19.102ha đất tại các khu, cụm công nghiệp hiện bị bỏ trống, chiếm hơn 92,6% diện tích.

Lãng phí đất…

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó thu hút đầu tư là do phần lớn các KCN, CCN đã thành lập chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống xử lí nước thải dùng chung; nguy cơ gây ô nhiễm còn rất nghiêm trọng; hệ thống giao thông, cảng sông, biển ở ĐBSCL còn quá yếu kém.

Các tuyến quốc lộ huyết mạch của miền Tây như quốc lộ 91, 80, 54, 57, 60 đều hư hỏng nghiêm trọng hoặc được thi công với tốc độ quá chậm, giao thông thường xuyên bị ách tắc. Đặc biệt, hai tuyến vận tải thủy quan trọng nhất là sông Tiền, sông Hậu thì tàu có tải trọng lớn không thể lưu thông, vì vậy việc xuất hàng hóa ra nước ngoài bằng container rất khó khăn... Hàng hóa xuất khẩu từ ĐBSCL hiện nay vẫn phải trung chuyển lên các cảng tại Thành phố Hồ Chí Minh, làm gia tăng chi phí và thời gian.

Ngoài ra, còn những nguyên nhân khác như: Sự phân bố các KCN chưa cân đối, đồng đều; tiến độ xây dựng hạ tầng ở nhiều khu còn chậm; chất lượng dịch vụ đi kèm thiếu và yếu... Đồng thời, do yếu tố địa chất địa hình ở khu vực ĐBSCL yếu, chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng cao.

Hàng loạt những nguyên nhân kể trên khiến các tỉnh khu vực ĐBSCL những năm gần đây dù cố gắng “trải thảm” kêu gọi nhưng vẫn chưa thể thu hút các nhà đầu tư, không ít nơi có KCN đã hình thành 2 - 3 năm, thậm chí 5 năm mà vẫn chưa có dự án nào được triển khai cũng như thuê đất.

Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng ban Quản lí các Khu chế xuất và Công nghiệp thành phố Cần Thơ thẳng thắn nhận xét: “Đất KCN chậm đưa vào khai thác, sử dụng đã gây lãng phí lớn tiền của Nhà nước và nhân dân.

Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu luồng cho tàu có tải trọng từ 5.000 đến 10.000 tấn trở lên vào cảng Cái Cui và cảng Cần Thơ”. Một chuyên gia về kinh tế nói: “Chừng nào luồng tàu chưa thông thì việc thu hút các nhà đầu tư gặp khó khăn và tình trạng lãng phí đất ở các KCN-CCN vùng ĐBSCL vẫn còn tiếp diễn”.

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, để có một héc-ta đất sạch giao cho nhà đầu tư, chi phí bình quân 3,5-4 tỉ đồng. Ước tính, với hàng nghìn héc-ta đất KCN-CCN đang bị bỏ trống nhiều năm qua, các tỉnh, thành phố trong vùng đã lãng phí hàng chục nghìn tỉ đồng. Đây là bài học đắt giá cho các địa phương trong khu vực đối với việc phát triển KCN chạy phong trào.

Việc quy hoạch để phát triển các KCN là cần thiết, là hướng làm đúng theo chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhưng một số địa phương vạch ra quy hoạch để giữ đất, thậm chí còn phục vụ mục đích kinh doanh địa ốc, không tính toán theo nhu cầu dự án và khả năng thu hút đầu tư.

Đất trong khu quy hoạch “nằm chờ” các nhà đầu tư, chờ dự án, có nơi kéo dài hàng chục năm, rất lãng phí và gây ách tắc nhiều mặt trong phát triển kinh tế-xã hội. Vì thế, các địa phương, ngành chủ quản cần nghiên cứu kĩ, chuẩn bị chu đáo trước khi khoanh vùng quy hoạch KCN, khu chế xuất.


DiaOcOnline.vn - Theo Quân Đội Nhân Dân