Top

Bất động sản Hà Nội:

Vạn người bán, trăm người mua

Cập nhật 06/06/2011 08:40

Thị trường nhà đất Hà Nội đang trầm lắng, xu hướng giảm giá ngày càng rõ, người bán thì nhiều còn kẻ mua quá ít.

Giá giảm


Hiện nay tại Hà Nội, giá nhà đất đã đứng và ở nhiều nơi, ở một số phân khúc, giá chào bán đang giảm, thậm chí có nơi giảm sâu. Trên thị trường căn hộ chung cư, chủ đầu tư các dự án liên tục tung nhiều “chiêu độc” để thu hút khách hàng như tăng mức chiết khấu từ 5 - 15%, thậm chí có những ưu đãi gây sốc, trong đó có “sự kiện” Công ty CP Sông Đà Thăng Long quyết định tặng 18 - 35m2 sàn thương mại tại Trung tâm thương mại Usilk cho 200 khách hàng nộp toàn bộ số tiền mua căn hộ tại tổ hợp Usilk City (khu đô thị Văn Khê) thay vì nộp nhiều lần theo thỏa thuận giữa hai bên.

Thị trường đất nền tại TP.HCM giao dịch ảm đạm - Ảnh: D.Đ.M

Theo khảo sát của chúng tôi, trên các trang mạng về nhà đất, các trung tâm môi giới bất động sản (BĐS), các sàn giao dịch BĐS... số người rao bán nhà đất tăng cao nhưng những người tìm mua lại rất ít, có nơi gần như vắng bóng. Ông Đỗ Xuân Hải, Giám đốc Công ty BĐS Hà Nội Vàng cho biết: “Khoảng 1 tháng nay, số người tìm đến nhờ chúng tôi bán căn hộ chung cư, biệt thự và đất nền tăng đáng kể, khoảng 30% so với 1 tháng trước đó. Tuy nhiên, chỉ lác đác khách hàng đến để tìm hiểu thông tin với ý định mua nhà, đất và phần lớn họ chỉ ngó qua rồi lặng lẽ rút lui. Giao dịch thành công gần như không có”. Theo ông Hải, người bán đã chấp nhận giảm giá, tính chung vào khoảng 10 - 15% so với giá rao bán cách nay không lâu. BĐS tại các dự án ở phía tây như dọc tuyến đường Lê Văn Lương nối dài, đường 32, đường Láng - Hòa Lạc... và đất tại Sóc Sơn, Đông Anh giảm nhiều nhất. Ông Nguyễn Trung Hà, Giám đốc Công ty BĐS Hòa Phát, cho biết thêm, giá chào bán đất nền tại khu vực Lê Trọng Tấn kéo dài, An Khánh... giảm từ 5 - 10 triệu đồng/m2. “Người bán thì vẫn kỳ vọng có lãi ở một mức nhất định trong khi người mua vẫn đang nghe ngóng và chờ đợi BĐS giảm giá thêm nữa. Cung và cầu vì thế chưa gặp được nhau”, ông Hà nói.

Thị trường ảm đạm đã khiến nhiều nhà đầu tư (NĐT) có nhu cầu bán nhà, đất bị "kẹt" hàng. Mặc dù đã nhờ các sàn giao dịch và trung tâm môi giới, rao bán trên mạng và nhờ người quen giới thiệu để bán 3 căn hộ tại khu đô thị Kiến Hưng, nhưng chị Hằng (Q.Hà Đông), vẫn chưa bán được căn nào. “Rao bán cả tháng trời nhưng chẳng có ai hỏi mua. Lâu lắm rồi tôi mới thấy việc lướt căn hộ trở nên khó khăn đến như vậy”, chị Hằng than thở.

Nhà đầu tư cố cầm cự

Sự gia tăng nhu cầu bán nhà, đất thời gian qua, thoạt nhìn, nhiều người cho rằng đang có một làn sóng xả hàng trên thị trường BĐS Hà Nội. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ, không khó để nhận thấy xu hướng bán tháo nhà đất chưa diễn ra, ít nhất là ở thời điểm này. Ông Nguyễn Trung Hà nhận định: “Người vay tiền ngân hàng (NH) đầu tư BĐS ở Hà Nội không quá nhiều, nhưng rõ ràng việc siết tín dụng NH cũng đã ảnh hưởng mạnh đến thị trường. Những NĐT vay tiền NH mua nhà đất đang chịu sức ép rất lớn do lãi vay quá cao, BĐS thì có xu hướng giảm giá... buộc họ phải tìm cách bán nhà, đất. Dù vậy, thị trường vẫn chưa có làn sóng xả hàng cắt lỗ. Chúng tôi chưa nhận được nhiều yêu cầu xả hàng kiểu như vậy từ những NĐT”.

Ông Đỗ Xuân Hải cũng nhận định thị trường đang có sự điều chỉnh giảm giá nhưng thực sự chưa có xu hướng bán tháo. Nhiều NĐT chấp nhận hạ giá nhưng ở mức vừa phải và họ vẫn có lãi. Chị Hằng, người đã nhắc đến ở trên, nói rằng hiện mỗi tháng phải trả lãi NH khoảng 15 triệu đồng cho khoản vay để “ôm” 3 căn hộ đang rao bán, nhưng điều kiện bán hàng mà chị đưa ra vẫn là bảo toàn được vốn, kể cả số tiền lãi NH hoặc có lãi chút đỉnh. "Nếu lỗ tôi không bán”, chị Hằng nói chắc nịch.

Theo một số chuyên gia BĐS, trong 2 - 3 tháng tới, áp lực lãi vay NH, tới thời điểm góp vốn lần tiếp theo... sẽ khiến các NĐT rất căng thẳng.

TP.HCM: Đất nền tiếp tục “ngủ đông”

Tại các sàn giao dịch BĐS ở TP.HCM, số lượng giao dịch thành công giảm mạnh, nhiều trung tâm môi giới gần như vắng khách. Ông Ngô Đình Hãn - Giám đốc kinh doanh sàn giao dịch BĐS ACB cho biết, trong quý I sàn thực hiện thành công 10 giao dịch đất nền thuộc dự án Nam Long và tái định cư Q.7 cùng khoảng 20 giao dịch đất nền trong khu dân cư tại thị trường TP.HCM, giảm 20 - 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Một nhân viên môi giới đất nền trên đường Trần Não, Q.2 cho biết: “Từ đầu năm tới giờ hầu như chẳng làm được gì, thi thoảng có một vài khách hàng đến hỏi nhưng chỉ tham quan thôi chứ không mua”. Thị trường trầm lắng nên giá đất nền cũng không có nhiều biến động mạnh. Theo ông Hãn, chỉ những đất nền có sổ đỏ, nằm ở vị trí thuận lợi thì giá mới nhích lên một chút so với năm trước, dao động từ 10 - 20%.

TS Đinh Thế Hiển - chuyên gia tài chính đầu tư, nhận xét: “Những người có khả năng mua đất nền thường có kinh tế khá hoặc giàu, tuy nhiên với những người này BĐS thường chiếm tới 80% giá trị tài sản của họ và 40% trong số ấy là vay nợ. Khi bán được BĐS của mình thì họ mới có thể tiếp tục lướt sóng, nhưng ở thời điểm hiện tại điều này rất khó. Còn những người làm công ăn lương, dù có nhu cầu thực nhưng họ không thể chịu nổi với mức lãi suất hiện tại nếu phải vay vốn NH để mua đất”.

Điểm lạc quan trong tình hình hiện nay - theo TS Hiển, là thị trường BĐS đang rất khó khăn đối với cả NĐT và người mua nhưng cũng qua đó, TP.HCM đang dần thoát khỏi xu hướng, tư duy đầu cơ đất. Vì hiện nay nhu cầu kinh doanh vào các lĩnh vực khác có hiệu quả kinh tế hơn ngày càng tăng, nên nguồn vốn không quá tập trung vào BĐS, như thế sẽ giảm sức ép lên lĩnh vực này.



DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên