Top

Văn minh chung cư: bắt đầu từ đâu?

Cập nhật 01/05/2008 16:00

Lượng người chọn chung cư để an cư đang gia tăng nhanh tại các TP lớn, nhưng việc xây dựng văn hóa mang sắc thái Việt nơi chung cư dường như vẫn chưa được quan tâm...

Nhiều chung cư vẫn còn hỗn độn và nhếch nhác, không chỉ tại các khu chung cư kiểu cũ mà ngay cả tại các khu nhà cao tầng mới xây cất dành cho người có thu nhập từ trung bình trở lên. Vẫn có rác rến tại các hành lang, thang máy, sân vườn, thảm cỏ; vẫn còn tình trạng khạc nhổ, nơi ban công áo quần còn giăng mắc...

Bốn giai đoạn của văn minh chung cư

Có hai yếu tố tác động đến lối sống chung cư, đó là chất lượng chung cư và trình độ người ở.

Theo kinh nghiệm ở các nước, muốn xây dựng được nền văn minh chung cư, cần phải trải qua bốn giai đoạn:

1. Quá độ: chủ yếu vận động người dân chấp nhận chung cư như giải pháp nhà ở đô thị đông dân.

2. Hoàn thiện chung cư với tiện nghi hiện đại, trang thiết bị nội thất tốt.

3. Tăng cường không gian ngoại cảnh và dịch vụ công cộng (vườn hoa, nhà trẻ, cửa hàng, vận chuyển công cộng...).

4. Tạo dựng được các mối quan hệ xã hội và cộng đồng tốt.

Phần lớn các nước tiên tiến ở phương Tây hoặc Nhật Bản, Singapore, Hong Kong đã đạt ba giai đoạn nêu trên, nhưng vẫn còn khó khăn lắm mới đạt được giai đoạn thứ tư.

Kinh nghiệm từ Singapore và Israel

Trong thực tế, chung cư các thành phố ta còn loay hoay ở hai giai đoạn đầu. Tuy vậy, tôi nghĩ ta vẫn có thể xây dựng được nếp văn minh chung cư ngay từ các giai đoạn này. Kinh nghiệm tại một số nước như Singapore và Israel đáng cho ta học tập.

Singapore khi mới dựng nước đầu những năm 1960, hoàn cảnh còn khó khăn hơn ta bây giờ nhiều. Đất hẹp, người đông, nên không có cách làm nào hữu hiệu hơn là vận động toàn dân xây dựng nếp sống mới đô thị, đặc biệt giáo dục phong cách sinh sống nơi chung cư.

Họ không ngại cho phép người ở chung cư phơi áo quần bằng sào ra mặt ban công, nhưng kích thước sào phơi phải thống nhất, áo quần sắp xếp gọn gàng. Cư dân hùn nhau thuê người còn rảnh rỗi sinh sống ngay trong khối nhà luân phiên làm vệ sinh chung. Song hành là tích cực giáo dục nếp sống đô thị ở nhà trường cho lớp trẻ. Đối với người lớn thì khạc nhổ, xả rác bừa bãi hoặc phá phách, gây tiếng ồn, làm hư hại công trình công cộng đều bị phạt nặng.

Kinh nghiệm từ các nước tiên tiến cho thấy muốn đưa được người dân quen sống nhà thấp tầng vào sinh sống kiểu tập thể nhà cao tầng cần trải qua một quá trình tiếp cận, và cả học tập nếp sống chung cư. Không thể ngày một ngày hai mọi người có thể hòa nhập ngay với đời sống chung cư. Ngay sau khi lập nước Israel, có một yêu cầu cấp bách là hình thành các thành phố mới nhằm đón nhận di dân gốc Do Thái khắp thế giới đổ về. Làm sao hòa nhập các tầng lớp cư dân rất khác biệt nhau về trình độ văn hóa, đẳng cấp xã hội, thu nhập, thói quen...

Một mặt, chính quyền Israel cho xây chung cư; mặt khác tích cực huấn luyện nếp sống ăn ở tập thể nơi chung cư. Trước tiên, di dân trình độ văn hóa chưa cao, thu nhập thấp (bị giải tỏa từ những khu ổ chuột hoặc di dân nông thôn còn lạc hậu) được tập trung đến sống tại các khu nhà trung chuyển tạm thời, thời gian từ sáu tháng đến một năm, trước khi đưa họ lên sống trên chung cư cao tầng.

Singapore, Israel đã hình thành được nền văn minh chung cư là do xây dựng được nếp sống đô thị kiểu đó ngay từ đầu. Mong nước mình sớm rút tỉa được bài học ở chung cư của xứ người vào giai đoạn bùng nổ nhà ở chung cư hiện nay vậy.

Theo Người Đô Thị