Nhà ở cho người dân nói chung và người thu nhập thấp nói riêng là vấn đề được toàn xã hội quan tâm.
Trong thời gian qua, cùng với việc ban hành nhiều chính sách, UBND TP Hà Nội đã kêu gọi các thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư xây dựng các dự án phát triển nhà cho người thu nhập thấp. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai áp dụng, những vướng mắc về cơ chế, chính sách chưa kịp tháo gỡ nên quỹ nhà ở còn hạn chế. Vì vậy, việc giải bài toán nhà ở cho người thu nhập thấp vẫn đang là nhu cầu bức thiết.
Tòa nhà CT1 Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông, dành cho người có thu nhập thấp đã được đưa vào sử dụng.Ảnh: Thanh Hải
|
Tiếp tục tạo quỹ đất sạch
Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước xây dựng và thực hiện Chương trình phát triển nhà ở để giải quyết nhu cầu ở của các đối tượng dân cư trên địa bàn. Trong đó, việc xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp với các giải pháp đồng bộ là việc làm có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị, xã hội, đòi hỏi sự quan tâm của các các nhà quản lý.
Trước hết, TP Hà Nội tiếp tục thực hiện các biện pháp đảm bảo có quỹ đất sạch đáp ứng nhu cầu phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp. Đây cũng chính là chính sách ở các nước đã thực hiện, áp dụng chế độ dự trữ đất hay gọi là "ngân hàng đất". Luật Đất đai hiện hành cũng tạo cơ sở pháp lý cho chế độ dự trữ đất khi quy định Nhà nước quyết định thu hồi đất và giao cho Tổ chức phát triển quỹ đất bồi thường, GPMB và trực tiếp quản lý khi chưa có dự án đầu tư. Có nhiều ý kiến cho rằng, nên chăng tính đến cả việc lấy đất xen kẹt trong khu dân cư để xây dựng nhà ở xã hội. Đây cũng được coi là giải pháp hữu hiệu, vì ở các khu vực đã đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, tránh lãng phí đất đai.
Bên cạnh đó, quan tâm hơn tới việc xây dựng, thiết kế nhà ở cho người thu nhập thấp. Tuy không cần phải cao cấp, nhưng phải đảm bảo những nhu cầu tối thiểu. Nhiều ý kiến cho rằng, nhà ở được quy hoạch và thiết kế một cách tối ưu, áp dụng khoa học công nghệ sẽ giảm giá thành và đảm bảo chất lượng công trình. Để kéo giá nhà ở xuống mức giá phù hợp, chủ đầu tư cũng đồng thời áp dụng các loại vật liệu xây dựng mới để giảm trọng lượng công trình, tăng tuổi thọ và tránh phải bảo dưỡng thường xuyên.
Hỗ trợ tiếp cận vay vốn ưu đãi
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có điều chỉnh trong chính sách phát triển nhà thu nhập thấp, chủ yếu hướng về phía người mua nhà. Đó là quy định cơ cấu diện tích căn hộ trong các dự án với mục tiêu đảm bảo lượng căn hộ diện tích nhỏ, đáp ứng đúng nhu cầu giá thấp và mở rộng đối tượng mua nhà. Để chính sách được duy trì, không thể không tính đến doanh nghiệp.
Khu nhà ở xã hội đang được xây dựng tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông.Ảnh: Bá Hoạt
|
Trên thực tế, các doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà thu nhập thấp hiện nay đa số đều là các đơn vị lớn có vốn Nhà nước, được hưởng các ưu đãi về mặt bằng, thuế, tiền sử dụng đất... Tuy nhiên, với các điều kiện ngặt nghèo về tài chính và quản lý, lĩnh vực này sẽ rất khó hấp dẫn các doanh nghiệp tư nhân đầu tư nếu không giải quyết vấn đề nguồn vốn. Với doanh nghiệp phát triển nhà thu nhập thấp, nguồn vốn rất khó khăn, cả ngắn hạn lẫn dài hạn. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách đã ban hành chưa đủ hấp dẫn để các doanh nghiệp mặn mà trong việc xây dựng loại hình nhà ở này.
Do đó, để giúp các doanh nghiệp và người dân tiếp cận nhà thu nhập thấp, tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng dễ dàng, UBND TP Hà Nội tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến việc quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai...
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Xây dựng đã công bố Thông tư quy định cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội theo
Nghị quyết 02 của Chính phủ. Tổng giá trị gói tín dụng khoảng 30.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước, với mức lãi suất áp dụng là 6%/năm. Thời gian được hỗ trợ lãi suất tối đa 10 năm đối với đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở; và tối đa 5 năm đối với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, các ngân hàng nên xem xét lại yêu cầu về tài sản bảo đảm trong các giao dịch nhà đất của người thu nhập thấp, để vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn vay, vừa đảm bảo độ an toàn trong hoạt động tín dụng của ngân hàng.
Theo Nghị quyết về Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2012 - 2030, định hướng đến năm 2030 được HĐND TP Hà Nội thông qua, đến năm 2015, TP sẽ thực hiện khoảng 600.000m2 nhà ở, đáp ứng 100.000 chỗ ở cho sinh viên; thực hiện 1.500.000m2 nhà ở đáp ứng 230.000 chỗ ở cho công nhân; thực hiện khoảng 1.100.000m2 nhà ở đáp ứng 15.500 căn hộ cho người có thu nhập thấp mua, thuê và thuê mua; xây dựng khoảng 1.400m2 nhà ở công vụ; thực hiện khoảng 1.600.000m2 nhà ở đáp ứng 20.000 căn hộ tái định cư... Để thực hiện được mục tiêu này cần nguồn vốn trên 8.500 tỷ đồng.
DiaOcOnline.vn - Theo Kinh tế Đô thị