Trước kiến nghị của Bộ Xây dựng về việc tăng tỷ lệ nhà chung cư cao tầng với quy mô diện tích căn hộ đa dạng đáp ứng nhu cầu của thị trường (tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh các dự án phát triển nhà ở phải có tỷ lệ nhà chung cư trên 80%), PV đã phỏng vấn với một số chuyên gia, chủ đầu tư về vấn đề này.
Tỷ lệ chung cư cao tầng phải tùy vào từng khu vực. Ảnh: Nguyễn Lê
|
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Cty CP Đầu tư Dầu khí Toàn cầu (GP-Invest): 80% là chung cư cao tầng là không hợp lý
Theo tôi, 80% là chung cư cao tầng là không hợp lý, nó phải tùy theo vị trí của từng khu đất. Hà Nội mở rộng bây giờ đến tận Hoài Đức, Quốc Oai… mà cứ bắt tất cả phải là chung cư thì văn hóa của người dân ở xa chưa thể ở chung cư được, hơn nữa hạ tầng xã hội ở đó chưa phát triển nên chỉ phù hợp với nhà phân lô hay biệt thự. Nếu những dự án ở xa mà cứ máy móc áp dụng tất cả đều phải có tỷ lệ 80% chung cư thì tôi e rằng sẽ thất bại, nó sẽ khiến các chủ đầu tư không dám làm. Vì thế, khi quyết định đưa ra một chính sách gì thì các cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ, thận trọng trước khi đưa ra ý kiến bởi nó có tác động lớn tới cả nhà đầu tư, đến thị trường và người tiêu dùng. Làm thế nào để chính sách phải khuyến khích, động viên được sản xuất kinh doanh và làm cho lợi ích của xã hội tăng lên tức là người dân được hưởng lợi thì hãy nên ban hành chính sách.
Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam: Tỷ lệ chung cư phải tùy từng khu vực
Tỷ lệ chung cư đạt 80% tại các dự án phát triển nhà theo tôi là mục tiêu trong thời gian dài, chứ không phải là cái đặt ra trong khoảng thời gian 5 năm hay 10 năm trước mắt, hiện mới chỉ có vài ba phần trăm thôi. Bộ chỉ nên nêu cái mục tiêu chúng ta tiến đến là như vậy, chứ để đạt được con số này thì phải khoảng 40 năm nữa mới đạt được. Hiện, chúng ta chỉ cố nâng tỷ lệ chung cư lên là bao nhiêu, từ 3% lên 5% hay 10% và nâng lên bằng cách nào?
Điều này phải tùy vào từng khu vực, không phải chỗ nào cũng nâng tầng lên bởi người ta không đủ năng lực, không phải ai cũng xây lên được.
Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội: Cần phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng trước khi xây dựng chung cư cao tầng
Xây dựng chung cư cao tầng là giải pháp đan theo sự phát triển áp dụng như vậy là khoa học về mặt quản lý dân số, quản lý đô thị, quản lý các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, nếu chỉ có nhà cao tầng thôi cũng làm cho cảnh quan của khu đô thị thiếu vắng đi những biệt thự, nhà liền kề. Cần phải xem lại phần kiến trúc cảnh quan bởi một khu đô thị phải là tổng hòa các mối quan hệ, trong đó tỷ lệ nhà chung cư cao tầng phù hợp với đại đa số người dân có thu nhập thấp, thu nhập trung bình. Nhưng cũng có những người có thu nhập lại thích ở những nhà liền kề hay biệt thự.
Việc thu gom dân ở dàn trải, rải rác để chồng tầng lên thành thành phố ở trên cao là hợp lý. Đây là việc mà các nước phát triển trên thế giới người ta cũng đã làm.
Tuy nhiên, cần lưu ý tới những giải pháp về chống động đất, chống hỏa hoạn, đặc biệt cần phải hoàn thành các cơ sở hạ tầng trước khi xây dựng chung cư cao tầng ở khu vực đó bởi hiện nay rất nhiều khu nhà cao tầng đã xây xong nhưng cơ sở hạ tầng chưa được quan tâm, hoàn thiện nên gây ra nhiều khó khăn cho người dân trong việc đi lại, sinh hoạt. Cùng với đó, những công trình công cộng đi kèm như trường học, nhà trẻ, trung tâm ý tế… cũng phải được quan tâm xây dựng đồng bộ.
Mặt khác, việc xây dựng các chung cư cao tầng nên chuyển dịch ra các vùng ven ngoại ô để tránh quá tải dân số trong trung tâm thành phố.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động