Top

Tung hàng nghìn căn hộ nhưng dân vẫn “khát” chốn an cư

Cập nhật 20/01/2016 13:51

Từ giữa năm 2016 – 2017, trên địa bàn TP.HCM sẽ có hàng nghìn căn hộ bàn giao. Liệu có đánh trúng nhu cầu, giải “cơn khát an cư” cho người dân?

Ảnh minh họa

Năm 2016, nhu cầu lớn vẫn ở phân khúc nhà giá thấp

Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Đầu tư  Nam Long cho biết, các sản phẩm căn hộ có diện tích 50-70m2 đang phát triển rất tốt.

Cùng với nhiều chủ đầu tư tại TP.HCM cũng đầu tư mạnh vào phân khúc này thì các nhà đầu tư nước ngoài từ Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc cũng rất quan tâm đến thị trường bất động sản tại TP.HCM.

Còn theo ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành, trong khoảng 10 triệu dân của TP.HCM thì có đến 3-4 triệu dân là người nhập cư. Do vậy, nhu cầu về nhà ở giá thấp rất cao. Các sản phẩm của Lê Thành chủ yếu tập trung vào phân khúc này. Tới đây, Lê Thành sẽ cho ra mắt dự án căn hộ cho thuê.

Hiện nay, các dự án hầu hết rơi vào thời điểm bàn giao nhà cuối năm 2016-2017. Do vậy, nguồn cung căn hộ sẽ tăng lên rất lớn. Tuy nhiên, lượng căn hộ này có đánh trúng nhu cầu thị trường hay không lại là một vấn đề, luật sự Nguyễn Thị Hòa chia sẻ.

Bên cạnh đó, cần có những căn hộ cho thuê, luật sư Nguyễn Thị Hòa bày tỏ quan điểm đồng tình với với ông Lê Hữu Nghĩa. Vì những người công nhân với số tiền ít ỏi họ không có khả năng mua nhà nhưng vẫn có nhu cầu ở những căn hộ cho thuê với giá rẻ. Dự án căn hộ cho thuê của Lê Thành là rất hợp lý.

“Chúng ta không thể trở lại 30 năm trước khi vẫn có nhưng người có thu nhập thấp, người nghèo ở gầm cầu. Nếu giá thuê 1,5-2 triệu đồng/tháng đối với họ vẫn cao, nên giảm thuê phải giảm xuống còn 500.000 đồng/tháng là hợp lý”, bà Hòa nói.

Bài toán nhu cầu của người nghèo thì rất nhiều, còn nhu cầu từ phân khúc trung bình lên cao cấp không nhiều. Các doanh nghiệp chú tâm vào việc xây dựng nhà giá thấp và Chính phủ quan tâm đến việc giải quyết chỗ ở cho người nghèo, người khó khăn.

Còn theo ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hưng Thịnh Corp., mặc dù thị trường bất động sản đang ấm lên nhưng chúng ta phải bảo vệ thị trường để không gây ra tình trạng đóng băng như những năm 2007.

Hiện nay giá dầu thế giới giảm, giá sắt giảm nhưng giá căn hộ lại đi lên đã tạo nên một mặt bằng chung, nếu chúng ta không cẩn thận sẽ gây thiệt hại cho cộng đồng doanh nghiệp.

“Khi cơn sốt đi qua thì nó rút rất nhanh. Cơn sốt 2007 đã lên đến đỉnh điểm trong vòng 1 tháng, một ngày giá đã tăng tới 10%/m2 đất, chẳng hạn giá là 10 triệu/m2 thì giá tăng 1 triệu/ngày/m2 đất, 1 tuần tăng tới 5-7 triệu đồng/m2 đất. Tôi làm bất động sản từ năm 2000 đến lúc đó cũng chưa thấy đợt giá nào tăng chóng mặt đến vậy”, ông Trung nói.

Theo TS. Nguyễn Thị Loan, Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), những năm 2007 khi thị trường đóng băng, có doanh nghiệp đã thốt lên tiền đi đâu hết rồi. Hàng loạt các sàn giao dịch bất động sản tại đường Lương Định Của, Trần Não, quận 2 phải đóng cửa.

Do vậy, những căn hộ giá hợp lý, đánh trúng nhu cầu người tiêu dùng mới là điểm tựa bền vững để vực dậy mạnh mẽ thị trường bất động sản đang nhen nhóm “ấm” lên.

Cảnh báo phân khúc cao cấp

60.000 căn hộ cao cấp có giá từ 3-4 tỷ đồng tập trung ở khu Nam Sài Gòn, ở khu vực hưởng lợi thế từ tuyến Metro. Đây là con số cực kỳ lớn tung ra trong vòng 2-3 năm tới và liệu có bán được 30.000 căn hay không? Nếu doanh nghiệp nào bán giá dưới 50% là cực kỳ nguy hiểm, ông Nguyễn Văn Đực, Giám đốc công ty địa ốc Đất Lành cho biết.

Luật sư Nguyễn Thị Hòa cho biết, “cách đây vài ngày, tôi đã dẫn một vị khách đi mua  200 biệt thự ở một tỉnh thì thấy có nơi hàng trăm căn biệt thự “đóng” im ỉm, ở trong nuôi Yến. Tôi e sợ rằng, những căn hộ được xây dựng sắp tới mà không bán không đúng nhu cầu thì tính sao?”.

Còn theo TS. Nguyễn Thị Loan, Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản TP.HCM, các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn TP.HCM vẫn phát triển một cách tự phát, chồng chéo các dự án.

Theo bà Loan, Sở Xây dựng TP.HCM nên công bố thường xuyên thông tin về những dự án tại các địa bàn, số lượng căn hộ, đất nền sắp tung ra… để các doanh nghiệp khác điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp, điều chỉnh chiến lược quỹ đất phù hợp.

Đã có những doanh nghiệp tung hàng ra sau với giá thấp hơn, chẳng hạn dự án Masteri  quận 7 khiến thị trường “rung rinh”. Nếu thị trường không bền vững thì chính các doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Còn về phía Hưng Thịnh, ông Nguyễn Đình Trung cho rằng, có những doanh nghiệp nói rằng Hưng Thịnh bán sản phẩm giá thấp hơn mức bình quân của thị trường. Tuy nhiên, Hưng Thịnh khẳng định mong muốn một thị trường bất động sản bền vững, tránh những quan niệm cho rằng đầu tư vào bất động sản là các phi vụ, đánh quả.

DiaOcOnline.vn - Theo BizLIVE