Ngày 6-11, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị đô thị toàn quốc 2009, tổng kết 10 năm xây dựng và phát triển đô thị (1999 - 2009).
Theo báo cáo của Cục Phát triển đô thị Bộ Xây dựng, qua 10 năm, dân số đô thị đã tăng từ 18,3 triệu người lên đến gần 26 triệu người, tốc độ tăng trưởng dân số đô thị trung bình trên toàn quốc là 3,4%/năm. Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc tăng từ 20,7% lên 30%, số lượng đô thị tăng từ 629 lên 754 đô thị. Như vậy đã có thêm 125 đô thị sau 10 năm xây dựng và phát triển, tăng trung bình 1 đô thị/tháng.
Tuy nhiên, quá trình phát triển đô thị còn nhiều tồn tại, như sự phân bố các loại đô thị còn có sự mất cân đối lớn, việc sử dụng đất đô thị còn chưa hợp lý, quỹ nhà ở có tăng nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên, các đối tượng có thu nhập thấp và trung bình..., thiếu sự đồng bộ về hạ tầng ở các khu đô thị mới, việc cải tạo, chỉnh trang các khu đô thị cũ chưa được quan tâm đúng mức, công tác quy hoạch đô thị còn nhiều bất cập, các hệ thống chiếu sáng, thoát nước còn ít được chú trọng.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, đến năm 2050, 80% dân số đã là cư dân đô thị, nếu không ý thức được sự chuyển dịch này, không tính tới áp lực dân số thì công tác đô thị sẽ rất khó khăn bởi một bộ phận người dân sẽ đứng trước nguy cơ bị “bần cùng hóa”. Chính vì vậy, phát triển đô thị phải gắn liền với xây dựng nông thôn mới; công tác quy hoạch đô thị, đặc biệt là xây dựng không gian phải đi trước một bước. Bản đồ đô thị không nên dừng ở không gian vùng, miền mà phải được vẽ trên toàn quốc.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng