TP - Huế hiện có khá nhiều “làng trong phố”. Tuy nhiên, hàng chục ngôi đình - trung tâm của các ngôi làng nổi tiếng- hiện đang xuống cấp trầm trọng. Có nhiều ngôi đình bị tàn phá, nguy cơ xóa sổ.
Di tích quốc gia thành trường học
Đình làng Thế Lại Thượng được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận di tích Quốc gia năm 1999 nằm trên đường Bạch Đằng, phường Phú Hiệp.
Đây là ngôi đình rất nổi tiếng với kiến trúc cổ ba gian hai chái, mái ngói âm dương rất độc đáo. Tuy nhiên, nay nó bị biến thành trường tiểu học Phú Hiệp.
Tám phòng học của ngôi trường này chia thành hai dãy “chầu” hai bên sân. Nội thất điện chính được nhà trường biến thành nhà kho chất đầy bàn ghế.
Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia khác là đình làng Phú Xuân (đường Thái Phiên, phường Tây Lộc). Về đêm, cả khu đình, đặc biệt nhà tiền đình trở thành nơi tiêm chích của các con nghiện và là nơi tình tự của các cặp tình nhân...
Còn đình làng Dương Phẩm, nằm trên đường Phan Đình Phùng, hướng ra sông An Cựu, cạnh trung tâm thành phố Huế thì ngay sau bức bình phong cổ kính rêu phong là cái sân rộng của đình ngổn ngang những đống cát sạn lớn. Một hộ dân gần đó đã biến sân đình thành bãi đúc gạch. Chung quanh sân là nhà cửa, phần lớn đều tạm bợ, nhếch nhác, lấn sang trước mặt đình.
Đình làng Dương Phẩm là một đống đổ nát.
Ngôi đình cổ này có kết cấu gỗ ba gian hai chái, tiền đình theo kiểu “vỏ cua” này dễ có đến hơn hai trăm năm tuổi.
Những gì còn lại trong chính điện, những hoa văn họa tiết trang trí trên vì kèo, đòn tay, những bức rèm gỗ được chạm khắc công phu, tinh tế không thua kém bất cứ kiến trúc cung đình nào ở Huế.
Thế nhưng một cảnh tượng đổ nát bày la liệt trước mắt. Một đống ngói liệt vỡ dày hơn nửa mét, một phần tư mái trước đổ sụp từ năm ngoái. Mái ngói bị thủng lỗ chỗ, có thể đổ sụp bất cứ lúc nào.
Đình thành chợHầu hết các ngôi đình của các làng nổi tiếng trong thành phố Huế đều có một số phận riêng. Đình làng Kim Long- một kiến trúc nổi tiếng trong hệ thống làng ở Huế - trở thành chợ Kim Long suốt mấy chục năm qua. Trong khu vực sân người ta xây thêm một cái đình chợ thật lớn.
Với đình làng Xuân Dương (đường Chi Lăng, phường Phú Hậu), kiến trúc một gian hai chái gần 150 tuổi, mái ngói đã đổ sụp từ lâu hiện được lợp bằng tôn lạnh. Khuôn viên thì bị nhiều hộ lấn chiếm. Hay như đình làng An Cựu - nơi sinh hoạt của một chi bộ Đảng sớm tại Huế - cũng bị hai dãy nhà HTX cũ đổ nát “án ngữ” trong sân.
Sân đình nổi tiếng Kim Long biến thành nơi họp chợ.
Kiến trúc tuy còn nguyên vẹn nhưng mái ngói có dấu hiệu xuống cấp trầm trọng. Rường gỗ lâu ngày không được sửa chữa, đang mục ruỗng. Chúng có thể đổ sụp bất cứ lúc nào. Đình làng Vỹ Dạ, một kiến trúc nổi tiếng nhưng kết cấu nội đình cũng đang bị xuống cấp.
Hầu hết các người già trong các ngôi “làng trong phố” mà chúng tôi đến khảo sát đều cho rằng đình làng xuống cấp là do không có kinh phí.
Bởi trước đây, mỗi làng đều có một khoảnh ruộng công, hàng năm cho thuê lấy lợi nhuận để cúng tế và tu sửa đình. Nhưng sau này không còn ruộng công nữa, nên không có kinh phí để làng duy tu, sửa chữa.
Trên thực tế có một nguyên nhân quan trọng khác, đó là sự dịch chuyển từ cơ chế làng sang đô thị đã làm cho thiết chế văn hóa các làng này dần mất đi. Sinh hoạt văn hóa cộng đồng có tính truyền thống cũng từng bước mờ nhạt. Việc cúng tế cũng giản lược. Và những ngôi đình gần như bị quên lãng.
Khảo sát bước đầu của Bảo tàng Cách mạng Huế tại 25 phường, xã trong thành phố Huế, có ít nhất 53 ngôi đình làng còn lại đến ngày nay. Đa số các đình đều trải qua một thời làm nơi sản xuất, hoặc làm kho của các HTX, và phần lớn đang rệu rã, xuống cấp trầm trọng.
Hiện nay, chỉ còn khoảng 30% số đình được tổ chức cúng tế “xuân thu nhị kỳ” đều đặn. Số còn lại, hoặc là cúng tế qua loa mỗi năm một kỳ, có làng đến nay không còn cúng tế ở đình nữa.
Theo Quốc Toản - Tiền Phong