Top

Tổng kiểm kê đất công

Cập nhật 05/01/2008 11:00

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chuẩn bị dự án cho việc triển khai kiểm kê quỹ đất công kể từ ngày 1.4.2008. Ông Đỗ Đức Đôi, Phó vụ trưởng Vụ Đăng ký - Thống kê, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trao đổi với Báo giới về đợt kiểm kê đất công quy mô lớn nhất từ trước đến nay này.

* Thưa ông, thường kỳ thì Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn có những đợt kiểm kê đất, tại sao phải đặt vấn đề kiểm kê riêng về đất công?

Chính từ kỳ kiểm kê đất năm 2005, các tỉnh, thành phố đã phát hiện ra việc sử dụng đất công sai mục đích, lãng phí nhưng cụ thể mức độ sai phạm và lãng phí như thế nào thì phải có số liệu kiểm tra chi tiết. Chỉ thị 31 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kể từ ngày 1.4 tới, đồng loạt thực hiện việc kiểm kê đất, lập bản trích đo địa chính khu đất đang quản lý, sử dụng.

Đối tượng kiểm kê là các loại đất do các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp, tổ chức sự nghiệp công, tổ chức kinh tế đang quản lý, sử dụng mà được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất.

Chỉ thị cũng ghi rõ, trong số liệu kiểm kê về diện tích, phải ghi rõ diện tích được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích đất đang sử dụng phù hợp hoặc không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt; diện tích đất lấn, chiếm, bị lấn, bị chiếm, đất chuyển nhượng, cho thuê trái phép; diện tích đất đã đưa vào sử dụng nhưng còn để hoang hóa; diện tích đất sử dụng ít hiệu quả; diện tích đất chưa sử dụng; đất sử dụng sai mục đích.



Ông Đỗ Đức Đôi ảnh: T.N

* Ông đánh giá như thế nào về thực trạng quản lý và sử dụng đất của các tổ chức được giao đất, cho thuê đất?

Qua các kỳ kiểm kê cũng thấy một thực tế rằng, việc quản lý và sử dụng chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp, còn để xảy ra nhiều tiêu cực như sử dụng không đúng diện tích, không đúng mục đích, không sử dụng, để lấn chiếm, cho mượn, cho thuê trái phép, chuyển nhượng trái pháp luật, hủy hoại đất...

Hiện tượng này cũng không nhiều nhưng thực tế gây bức xúc lớn trong dư luận. Đặc biệt ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có những trường hợp, giao đất làm triển lãm nhưng lại dành một diện tích lớn cho quán cà phê, cho thuê làm garage ô tô... hoặc một số cơ quan nhà nước được giao đất làm trụ sở nhưng lại dành một phần diện tích làm các ki-ốt cho thuê làm cửa hàng, kinh doanh ăn uống... như vậy là sử dụng sai mục đích.

* Thưa ông, có một thực tế rằng, các tổ chức kinh tế thuê đất thì thường sử dụng đất hiệu quả hơn các đơn vị được giao đất không thu tiền...



Karaoke Thùy Linh được mở
 trên đất vườn thú Hà Nội.

Đúng. Khi phải thuê đất, có nghĩa rằng, họ phải bỏ một phần lãi trong kinh doanh để trả tiền thuê đất, còn các tổ chức được giao đất thì không. Thực tế Chính phủ cũng nhìn nhận điều này, nên rất nhiều lần yêu cầu định giá đất để đưa vào làm tài sản cố định của Nhà nước tại đơn vị, tổ chức được giao đất, nhưng hiện điều này làm chưa triệt để.

Mới đây Bộ Tài chính cũng có chỉ thị về quản lý công sản, nếu thực hiện tốt, đất cũng được tính vào tài sản Nhà nước tại đơn vị hành chính, hành chính sự nghiệp thì sẽ tốt hơn.

* Vậy chúng ta có nên đặt vấn đề thay đổi cơ chế giao đất không thu tiền hiện nay không, có nghĩa là tạo một cơ chế bình đẳng khi tiếp cận với đất cho mọi đơn vị, tổ chức?

Nếu bây giờ nói rằng, các tổ chức hành chính, hành chính sự nghiệp, tổ chức chính trị, chính trị-xã hội... cũng chuyển sang phải thuê đất thì quả thực là chưa bàn tới, bởi vì các đơn vị này cũng sử dụng ngân sách nhà nước, nếu thuê đất hoặc giao đất có thu tiền cũng là thu vào ngân sách Nhà nước mà thôi.

Nhưng vấn đề là chúng ta cần thay đổi tư duy quản lý đất đai, đất đai phải được coi là nguồn vốn cho phát triển, dù sử dụng cho phát triển kinh tế hay quản lý hành chính. Chúng ta phải vốn hóa đất đai để định giá nó thành tài sản Nhà nước trong đơn vị, tổ chức để có căn cứ đánh giá xem hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước như thế nào.

Nếu vốn quá lớn mà biên chế ít cũng có nghĩa là sử dụng vốn không hiệu quả. Nếu như vậy, chúng ta sẽ thấy ngay rằng, một số các cơ quan, tổ chức sẽ phải sử dụng diện tích đất hẹp hơn, xây nhà cao tầng hơn để tiết kiệm diện tích. Như vậy cũng tránh được tình trạng xin đất rồi làm sân tennis, bể bơi, thậm chí cho thuê sai mục đích.

* Thưa ông, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng đã thực hiện việc rà soát đất công từ vài năm nay nhưng việc xử lý đối với diện tích sử dụng sai mục đích, lãng phí là rất khó khăn?

Vấn đề ở đây là chính sách và tính nghiêm túc trong thực thi pháp luật, đặc biệt ở các cơ quan Nhà nước. Đúng là có thực tế, diện tích thu hồi được so với số vi phạm cần thu hồi còn rất khiêm tốn. Lần này Chính phủ chỉ đạo rất kiên quyết.
 
Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thành lập Ban chỉ đạo kiểm kê đất đai và yêu cầu các tỉnh, thành phố cũng phải lập Ban chỉ đạo. Từ nay đến 31.3, Bộ chúng tôi sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan chuẩn bị dự án kiểm kê quỹ đất công trình Thủ tướng phê duyệt.

Từ ngày 1.4.2008, các thị trấn, phường xã bắt đầu kiểm kê và phải hoàn thành trước 31.8. Các quận, huyện phải tổng hợp báo cáo trước ngày 30.9. Cấp tỉnh cũng có 1 tháng để tổng hợp báo cáo về T.Ư và muộn nhất là 30.11, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải có báo cáo gửi Thủ tướng.

Lần kiểm kê này sẽ đặt vấn đề kiên quyết thu hồi những diện tích sử dụng không đúng mục đích, lãng phí. Nếu đơn vị nào có chức năng làm kinh tế mà sử dụng đất được giao vào mục đích kinh doanh sẽ phải chuyển sang hình thức thuê đất.

* Thưa ông, rút kinh nghiệm của kỳ kiểm tra quy hoạch treo hồi năm ngoái, các địa phương đã không tuân thủ thời hạn báo cáo và kết quả là đến giờ Bộ vẫn chưa có báo cáo chung về quy hoạch treo mặc dù thời hạn đã qua từ lâu (31.8.2007), lần này có chế tài gì không?

Vẫn phải nhắc lại rằng, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ chỉ đạo chung, hướng dẫn nghiệp vụ, còn thành công hay không phụ thuộc vào chỉ đạo trực tiếp của UBND cấp tỉnh. Ngay kể cả phương thức xử lý như thế nào đối với các vi phạm (nếu có) cũng phải do UBND tỉnh đề xuất.

Khi có báo cáo cụ thể chúng tôi sẽ phân loại các dạng vi phạm, nghiên cứu, đề xuất chính sách trong trường hợp chưa có quy định của pháp luật. Tôi tin là việc triển khai sẽ tốt vì chúng tôi đã có thời gian chuẩn bị rất dài và rất kỹ.

* Xin cảm ơn ông!

Theo Thanh Niên