Top

Cải tạo kênh Ba Bò

Tốn tiền chưa chắc hiệu quả

Cập nhật 10/11/2009 09:40

Kênh Ba Bò, nhìn là sợ.

Để cải tạo kênh Ba Bò, chủ đầu tư dự án là trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM đã kiến nghị điều chỉnh số vốn tăng lên gấp đôi, từ 307 tỉ đồng phê duyệt năm 2007 lên 744,4 tỉ đồng.

Ông Võ Thanh Huy, phó giám đốc ban quản lý dự án Cải tạo kênh Ba Bò giải thích: việc đề nghị tăng vốn là do chi phí xây dựng, thiết bị và chi phí đền bù giải toả tăng…

Cụ thể, trong dự toán ban đầu, chi phí xây dựng và thiết bị chỉ hơn 131 tỉ đồng nhưng nay tăng lên trên 176 tỉ đồng, riêng chi phí đền bù giải toả và di dời hạ tầng từ hơn 125 tỉ đồng lên hơn 487 tỉ đồng. Thêm vào đó, để xử lý tốt các nguồn nước thải từ các khu công nghiệp đổ ra, dự án phải phát sinh thêm việc xây dựng hồ xử lý sinh học.

Kênh Ba Bò, nhìn là sợ

Ông Huy cho rằng hồ sinh học có diện tích 2,4ha được đầu tư 20 tỉ đồng, với công suất xử lý 20.000m3/ngày đêm đủ để xử lý toàn bộ lượng nước thải công nghiệp của các khu công nghiệp, khu chế xuất và nước thải sinh hoạt của gần 10.000 hộ dân dọc theo tuyến kênh Ba Bò đạt chuẩn nước thải loại B.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, khi các doanh nghiệp trong khu công nghiệp chưa xử lý nước thải thì việc xây dựng hồ sinh học sẽ không hiệu quả. Ông Lê Thượng Mãn, đại biểu HĐND TP.HCM, khẳng định: “Phương án đó sẽ không khả thi, vì chắc chắn trong nước thải đổ ra từ các khu công nghiệp có chứa hóa chất. Do vậy, các vi sinh trong hồ sẽ chết khi găp hoá chất”. Ngoài ra, theo ông Mãn, để xử lý một mét khối nước thải/ngày đêm phải tốn tối thiểu là năm triệu đồng cho việc mua sắm trang thiết bị. Tính ra, để vận hành một dây chuyền xử lý 20.000m3/ngày đêm phải chi tối thiểu cả 100 tỉ đồng. Nếu chỉ đầu tư 20 tỉ đồng mà muốn đạt được con số như trên thì chắc chắn dây chuyền thiết bị hoạt động không hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Đăng Nghĩa bức xúc: “Không lẽ chúng ta đầu tư cả ngàn tỉ đồng để nâng cấp, nạo vét, lòng kênh, xây dựng hồ sinh học để xử lý nước bẩn cho các khu công nghiệp thải ra. Việc làm này chẳng khác nào khai thông dòng nước, tạo điều kiện cho dòng nước bẩn của các doanh nghiệp thải ra được nhanh hơn, mạnh hơn”.

Ông Nghĩa cho rằng lãnh đạo tỉnh Bình Dương và TP.HCM cần vạch ra một lộ trình cụ thể, yêu cầu các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp, khu chế xuất đầu nguồn kênh Ba Bò phải thực hiện đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung trước khi xả ra môi trường. Cái gốc là làm sao quản lý được nguồn nước thải, chứ không thể để thải nước bẩn ra rồi mới đầu tư xây dựng hệ thống xử lý.

Ông Mãn nhấn mạnh nếu các nguồn ô nhiễm từ đầu nguồn kênh Ba Bò thuộc tỉnh Bình Dương vẫn không được chính quyền địa phương xử lý rốt ráo thì chắc chắn ô nhiễm trên cả đoạn kênh Ba Bò vẫn cứ tồn tại, cho dù dự án cải tạo con kênh này có hoàn thành như mong đợi sau khi tốn cả đống tiền.

Dự án cải tạo kênh Ba Bò gồm sáu gói thầu: gói số 1: xây dựng hồ điều tiết và đoạn 1 của tuyến kênh chính; số 2: xây dựng đoạn 2 và đoạn 3 của tuyến kênh chính; số 3: xây dựng tuyến kênh nhánh; số 4: xây dựng mới các cầu qua kênh; số 5: trồng cây xanh; số 6: xây dựng hệ thống chiếu sáng. Hiện dự án mới bước vào triển khai thi công gói thầu số 2 và số 4.


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị