Hạn mức vốn cho vay bất động sản mà NHNN dự kiến là 20.000 - 40.000 tỷ đồng. Ảnh: H.T |
Với Nghị quyết 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành, tín dụng bất động sản phân khúc nhà ở được kỳ vọng sẽ tăng mạnh trong năm 2013.
Theo Nghị quyết 02/NQ-CP, về vốn tín dụng, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước dành một lượng vốn hợp lý, tối thiểu khoảng 3% tổng dư nợ để cho người thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại…
Hạn mức vốn mà NHNN dự kiến là 20.000 - 40.000 tỷ đồng, thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý, thời hạn vay tối đa 10 năm. Cá nhân vay vốn mua nhà ở (diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2) được hưởng lãi suất thấp, kỳ hạn trả nợ phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng; hỗ trợ cho vay đối với doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, doanh nghiệp chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội với lãi suất hợp lý, kỳ hạn trả nợ phù hợp kỳ hạn của nguồn vốn và khả năng trả nợ.
Vì thế, theo đánh giá của PGS-TS. Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, phân khúc bất động sản căn hộ có giá thấp và nhà ở dự báo sẽ được ấm lên khi NHNN có chính sách cụ thể về vốn tín dụng dành riêng cho lĩnh vực này, nhưng lãi suất chỉ nên 5 - 6%/năm đối với cá nhân vay mua nhà để ở.
Trong khi đó, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đề xuất, NHNN cần có cơ chế, chính sách hợp lý khuyến khích ngân hàng thương mại tăng trưởng tín dụng bán lẻ cho vay đối với người mua nhà để ở, không tính trong dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản, vì là người mua cuối cùng; nên có cơ chế ưu đãi về nguồn vốn đối với dư nợ cho vay bán lẻ thế chấp nhà ở; giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tương ứng với số dư cho vay bán lẻ thế chấp nhà ở…, để các ngân hàng thương mại có thể giảm lãi suất cho vay mua nhà, khuyến khích ngân hàng thương mại tăng trưởng tín dụng cho vay mua nhà.
Theo đánh giá của ông Võ Văn Châu, cố vấn TrustBank, cơ hội để tăng trưởng dư nợ ở phân khúc nhà ở năm 2013 là rất lớn khi NHNN bỏ khống chế tỷ lệ room đối với dư nợ ở lĩnh vực phi sản xuất. Đồng quan điểm, Tổng giám đốc NamA Bank, ông Trần Anh Tuấn cho rằng, tín dụng bất động sản nhà ở sẽ có nhiều cơ hội để tăng trưởng trong năm nay, song trước tình trạng nợ xấu tăng, các ngân hàng sẽ thận trọng và kiểm soát chặt chất lượng tín dụng bất động sản, hạn chế cho vay đối với kinh doanh bất động sản.
Thị trường bất động sản đang rất đình trệ, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bất động sản nhà ở trầm lắng, giá giảm ở tất cả các phân khúc, thậm chí nhiều dự án không có giao dịch. Nguyên nhân là do cơ cấu bất động sản nhà ở mất cân đối, thiếu hàng hoá quy mô nhỏ và vừa, đặc biệt là thiếu loại hình nhà ở cho thuê. Hơn nữa, việc phát triển nhà ở chưa quan tâm đúng mức đến nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người thu nhập thấp. Hệ thống tài chính bất động sản chưa hoàn thiện, nguồn vốn cho thị trường bất động sản chủ yếu từ hệ thống ngân hàng và huy động của người dân, chưa có nguồn tín dụng trung và dài hạn để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tạo lập nhà ở… Thực trạng này đã khiến thị trường bất động sản đóng băng kéo dài, dẫn đến sự sụt giảm đáng kể về sản lượng sản xuất và nhu cầu sử dụng các loại vật liệu xây dựng, tác động tiêu cực, làm chậm quá trình hồi phục, phát triển kinh tế.
“Muốn phá được tảng băng trên thị trường bất động sản, ngoài việc điều chỉnh giảm dần lãi suất cho vay, các công ty bất động sản phải giảm thêm giá, mới có thể thu hút được khách hàng cá nhân mua nhà”, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư