Nhiều quan điểm khác nhau về mức thu thuế người có nhà cho thuê, có ý kiến thì đồng tình với Thông tư 40 của Bộ Tài chính nhưng cũng có đề xuất cho rằng nên nâng lên mức 200 triệu đồng/năm mới nộp thuế.
Nhiều cửa hàng, mặt bằng kinh doanh phải đóng cửa vì không có khách thuê.
Sắc thuế về nhà đất đưa ra thời điểm này có hợp lý?
Khi dịch bệnh có diễn biến phức tạp các ngành sản xuất, kinh doanh đều ảnh hưởng nặng nề, việc Bộ Tài chính đưa ra Thông tư 40 có hiệu lực từ ngày 1/8/2021, cơ quan thuế sẽ căn cứ vào tổng doanh thu danh nghĩa tính theo 12 tháng để tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) nếu tiền cho thuê nhà đạt 100 triệu đồng/năm được cho là chưa đúng thời điểm.
Trong khi đó, tại Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh, thành phố mặt bằng kinh doanh cho thuê giá giảm liên tục từ giữa năm 2020 tới nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhiều cửa hàng, mặt bằng kinh doanh phải đóng cửa vì không có khách thuê, nhiều nhà và căn hộ cho thuê vẫn đang bỏ trống. Dù vậy, chủ nhà hoặc chủ mặt bằng cho thuê vẫn phải nộp thuế theo quy định mới.
Chị Nguyễn Hương Trà một chủ nhà tại phố Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) có cửa hàng cho thuê cho biết, trước kia giá cho thuê cửa hàng khoảng 13 triệu đồng/tháng, khi bùng dịch Covid-19 giá giảm xuống 11 triệu đồng/tháng, giờ tiếp tục giảm xuống 8 triệu đồng/tháng. Chủ nhà liên tục giảm giá thuê nhưng tìm được khách thuê cũng không dễ.
“Cho thuê từ đầu năm 2020 tới nay rất khó khăn, đứt quãng liên tục khi người thuê không kinh doanh được phải trả cửa hàng. Nhiều tháng cửa hàng để không, thế nhưng tính thuế tiền thuê một tháng rồi nhân lên cả năm sẽ không phản ánh được số thu thực. Mức thu thuế từ 100 triệu đồng/năm khá thấp, vì mặt bằng giá thuê ở các thành phố lớn đều ở mức trung bình 10 triệu/tháng, trong khi để có một mặt bằng cho thuê thì phải đầu tư ra một số tiền khá lớn” - chị Trà nói.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng, dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến phân khúc bất động sản du lịch, dịch vụ và kinh doanh mặt bằng cho thuê. Tỷ lên mặt bằng trống tại các đô thị, thành phố du lịch tăng lên nhiều.
“Sắc thuế về nhà đất luôn là một sắc thuế rất quan trọng của nền kinh tế, tác động mọi mặt đến đời sống kinh tế - xã hội. Do đó, sắc thuế này cần phải được đánh giá kỹ lưỡng những tác động khi đưa ra và quan trọng là thời điểm này sản xuất, kinh doanh đang gặp khó khăn của dịch bệnh, đưa sắc thuế này ra, áp dụng trong thời gian tới có đúng thời điểm, phù hợp không” - ông Điệp nói.
Đề xuất doanh thu cho thuê nhà 200 triệu đồng một năm mới nộp thuế
Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét lại quy định nộp thuế đối với trường hợp kinh doanh cho thuê nhà theo hướng khuyến khích phát triển thị trường nhà cho thuê phát triển công bằng, bền vững hơn là tận thu.
Theo HoREA, quy định đánh thuế thu nhập cá nhân đối với doanh thu cho thuê nhà trên 100 triệu đồng một năm chưa hợp lý, vì chưa xem xét mức giảm trừ gia cảnh của người có nhà cho thuê.
Nhiều cửa hàng phải sang nhượng vì kinh doanh gặp khó khăn
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho rằng, mặc dù Khoản 2 Điều 13 và Khoản 4 Điều 14 Luật Nhà ở 2014 “khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia phát triển nhà ở để cho thuê, cho thuê mua, bán theo cơ chế thị trường… Đối với đô thị loại đặc biệt, loại 1 và loại 2 thì chủ yếu phát triển nhà chung cư và xây dựng nhà ở để cho thuê” nhưng trên thực tế thì phân khúc thị trường nhà cho thuê vẫn còn chiếm tỷ lệ rất thấp, mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu thuê nhà của người nước ngoài, công nhân lao động, người nhập cư, hoặc cho thuê nhà, một phần nhà làm văn phòng, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ.
“Chính phủ, Bộ Tài chính nâng hạn mức doanh thu cho thuê nhà trên 200 triệu đồng một năm mới phải chịu thuế nhằm khuyến khích phát triển thị trường cho thuê, đồng thời gián tiếp hỗ trợ người đi thuê nhà không bị tăng giá trong giai đoạn dịch bệnh còn diễn biến phức tạp” - ông Châu đề nghị.
DiaOcOnline.vn – Theo VOV