Thu gom những mảnh đất nhỏ trong một khu đô thị/thành phố - những nơi có đường xá chật hẹp, dân cư nghèo nàn - và biến chúng thành những khu dân cư hiện đại hơn, đường sá thông thoáng… sẽ giúp cho đời sống của người dân được nâng lên. Đây là cách làm ở một số thành phố trên thế giới, liệu có nên nghiên cứu áp dụng ở Việt Nam?
Một góc đô thị Việt Nam nhìn từ trên cao. Ảnh minh họa TC
|
Phát biểu khai mạc hội thảo quốc tế “Phương pháp thu gom - tái điều chỉnh đất và khả năng áp dụng tại Việt Nam” được tổ chức vào hôm nay (29-5) tại Cần Thơ dưới sự chủ trì của Ngân hàng Thế giới (WB) cùng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, quy hoạch đô thị… trong và ngoài nước, bà Phan Thị Mỹ Linh, Thứ trưởng Bộ xây dựng, cho biết Việt Nam đang trải qua quá trình đô thị hóa nhanh. Nhưng đi liền với đô thị hóa là dân số tăng nhanh dẫn đến một số bất cập như phát triển đô thị khu vực ven đô không đồng bộ, chất lượng cuộc sống người dân thấp, đường xá chật hẹp, ô nhiễm môi trường...
Theo bà Linh, việc cải tạo những khu đô thị cũ và đầu tư xây dựng khu đô thị mới ở những khu vực ven đô của Việt Nam hiện đang khó do nguồn vốn đầu tư có giới hạn. “Vì vậy, tôi mong các bạn (chuyên gia ở các nước - PV) tập trung thảo luận, chia sẻ những mô hình thực hiện thành công của các bạn. Từ đó, chúng tôi (Việt Nam) có thể chọn ra được phương pháp phù hợp với tình hình Việt Nam để áp dụng”, bà Linh nói.
Ông Robin Rajack, chuyên gia cao cấp về quản lý đất đai của WB, giải thích và chia sẻ cách thức “thu gom- tái điều chỉnh đất” – một hoạt động chưa từng có ở Việt Nam - được một số nước trên thế giới đã và đang áp dụng như sau:
- Trước tiên các cơ quan “thu gom - tái điều chỉnh đất” hay còn gọi là chủ đầu tư sẽ lựa chọn khu vực được phát triển (khu đô thị cũ hay khu đô thị ven đô có đường sá chật hẹp, ô nhiễm môi trường, chất lượng cuộc sống không bảo đảm…-PV) và xác định các thửa đất (kể cả chủ sở hữu) được đưa vào chương trình.
- Sau khi có sự thỏa thuận của tất cả các chủ đất và các đơn vị dịch vụ công ích với chủ đầu tư, một phương án thu gom đất sẽ được soạn thảo với những nội dung như: bản đồ các thửa đất trong dự án; danh sách các chủ đất; kế hoạch về quy mô xây dựng đường sá, thoát nước, cấp điện, cấp nước và phân lô; danh sách định giá lô đất; kế hoạch tái bố trí lô; chương trình thực hiện; dự toán chi phí thực hiện; văn bản về mục tiêu và nguyên tắc của dự án.
Để minh họa, ông Robin Rajack nêu mô hình “Thu gom- tái điều chỉnh đất” ở thành phố Bhuj, bang Gujarat, Ấn Độ. Một trong những cách làm của họ là nhà đầu tư vận động các chủ đất nằm trong dự án đóng góp một phần đất của mình cho nhà đầu tư với các tỉ lệ: hộ gia đình có diện tích đất nhỏ hơn 30 mét vuông sẽ không phải góp đất; góp 10% diện tích đất đối với hộ gia đình có diện tích đất từ 30-100 mét vuông và 35% đối với hộ có diện tích từ 300 mét vuông trở lên (tuy nhiên tỉ lệ này có sự khác nhau giữa các dự án và các quốc gia).
Phần đất được đóng góp đó, ngoài việc được sử dụng để mở rộng đường sá, lắp đặt hệ thống cấp nước, cấp điện, xây dựng bệnh viện, trường học, công viên, nhà ở cho người có thu nhập thấp… thì có một phần sẽ được phân lô bán cho những ai có nhu cầu để tạo nguồn tài chính thực hiện các công trình công cộng ấy.
“Đổi lại việc mất một phần đất, giá trị đất của người dân ở thành phố Bhuj được nâng lên, chất lượng cuộc sống của người dân cũng được cải thiện với hệ thống đường sá rộng lớn, bệnh viện trường học đạt chuẩn…”, ông Bimal Patel, chuyên gia của WB cho biết.
Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, hoàn toàn có thể áp dụng mô hình “thu gom- tái điều chỉnh đất” vào Việt Nam, nếu nhận được sự đồng thuận của UBND các tỉnh và huyện bởi luật đất đai không cấm thực hiện cơ chế trên. “Đây là cơ chế tốt nhất phát triển đô thị hiện nay, nó giảm chi phí bồi thường, giảm thưa kiện vì cơ chế này là cách cấp đất lại với giá trị lớn hơn cho chủ đất”, ông Võ nói.
Theo ông Võ, lý do cần có sự đồng thuận của UBND các tỉnh và huyện vì quyền thu hồi và phân bổ đất đai thuộc về UBND các tỉnh và huyện. Tuy nhiên, đa số ý kiến của đại biểu tham dự hội thảo này đều khẳng định để làm được mô hình “thu gom- tái điều chỉnh đất” cần có sự điều chỉnh một số luật như luật quản lý đất, luật xây dựng… để tránh chồng chéo, phù hợp hơn khi đưa vào áp dụng thực tiễn tại Việt Nam.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG