Top

Thời của doanh nghiệp địa ốc nội

Cập nhật 13/11/2015 10:16

Rút lui khi thị trường khó khăn, NĐT ngoại đã “mất chân” tại thị trường trong nước

Cách đây vài năm, Tập đoàn Vinacapital bán 70% cổ phần khách sạn Hilton cho một “đại gia” trong nước, sự kiện từng “đình đám” trong dư luận. Một trường hợp thoái vốn khác cũng khá “ấn tượng”, Indochina Land sau khi mua lại Goldora, đổi tên lại dự án thành Eden, đầu tư thêm gần 2 triệu USD, rồi cuối cùng cũng thoái vốn khỏi dự án này…

Các DN nước ngoài từng được “trưng biển” ở đa số các dự án kinh doanh tốt thời gian trước, nhưng cho đến cách đây ít năm, liên tục xuất hiện thông tin NĐT nước ngoài thoái vốn khỏi dự án.

Các dự án khủng tại TP. Hồ Chí Minh đang khiến khối ngoại phải “ngả nón” trước DN BĐS trong nước

Sự đầu tư ồ ạt của các dự án thời gian qua của “người lắm tiền” đã tạo nên tình trạng dư thừa căn hộ và văn phòng cho thuê so với nhu cầu sử dụng thật. Hậu quả, hiện nay nguồn cung ở một vài phân khúc đang vượt cầu rất lớn, nhất là văn phòng cho thuê.

Giá văn phòng cho thuê đã giảm hơn một nửa chỉ trong vài năm vừa qua, nhưng tỷ lệ mặt bằng trống vẫn rất cao, riêng tại khu vực trung tâm TP. Hồ Chí Minh tỷ lệ trống khoảng 15%. Hiện nguồn hàng đang đạt mức cao nhất trong 10 năm qua, nhưng theo các dự báo, phải mất 4-5 năm nữa cung-cầu mới “đụng nhau”.

Riêng thị trường căn hộ, trong thời gian khối ngoại còn đầu tư mạnh mẽ, lượng cung căn hộ cao cấp chào bán luôn cao vượt cầu, khiến thị trường “chết ngộp”. Kết quả, nhà bán không được, văn phòng cho thuê vắng khách, lợi tức giảm nên thời gian thu hồi vốn của NĐT cũng lâu hơn.

Chưa kể, cạnh tranh đầu tư vào dự án khách sạn, văn phòng cũng ngày càng gay gắt hơn. Hàng loạt dự án văn phòng cho thuê mọc lên ở khu vực quận 1, 2, 7, 9… đã tạo áp lực lên các NĐT nước ngoài đến sau… Mà đối với họ, một khi lợi nhuận giảm mạnh thì giải pháp là tìm đường rút lui. Lúc này, các NĐT trong nước lại vươn lên mạnh mẽ.

Nhắc lại câu chuyện rút vốn của Indochina Land, thực tế, người mua lại dự án chính là Khang Điền (chủ cũ của dự án Goldora). Sau 5 năm vắng bóng, nay Khang Điền quay trở lại với tiềm lực mạnh hơn trước. Khang Điền mua lại dự án Eden và đổi tên thành Khu biệt thự Lucasta. Không những vậy, hiện nay Khang Điền còn được Quỹ đầu tư VinaCapital, Dragon Capital, SAM… đặt vấn đề rót vốn đầu tư lên tới vài trăm triệu USD.

Thực tế, Khang Điền chỉ là một cái tên trong số các đại gia BĐS của Việt Nam mà khối ngoại phải “nể”. Điều này có thể chứng minh bằng hàng loạt dự án lớn ở TP. Hồ Chí Minh thuộc về các NĐT nội địa như: Vincom, Bitexco, Times Square và SJC… Nhận định về xu hướng “nội hóa” này, một lãnh đạo cao cấp của Savills cho rằng, khối ngoại sẽ còn phải quay trở lại xin được đầu tư vào khối DN BĐS nội là điều tất yếu trong quá trình phát triển của thị trường BĐS Việt Nam.

Việc các công ty nội địa đang dần chiếm lĩnh thị trường không có gì khó hiểu. Các nhà phát triển dự án Việt Nam với lợi thế về sự am hiểu sâu sắc lối sống, văn hóa cũng như nhu cầu của thị trường có cơ hội nhanh chóng tạo được niềm tin của người mua. Hơn nữa, với nguồn vốn đã dồi dào hơn, họ sẽ thực hiện nhiều dự án có chất lượng cao không thua kém dự án của NĐT nước ngoài.

“Việt Nam vẫn thu hút một lượng lớn vốn FDI đổ vào thị trường BĐS. Nhưng tôi tin, thời gian tới chính người Việt sẽ đưa BĐS Việt phát triển”, một chuyên gia khẳng định.

Quả vậy, lãnh đạo của Đại Quang Minh tiết lộ, không như trước đây DN nội địa thường làm ăn nhỏ lẻ và cạnh tranh không lành mạnh, gần đây các DN Việt Nam đã biết bắt tay nhau để mở rộng thị trường cũng như lấy lại niềm tin của khách hàng. Điều này cho thấy các NĐT Việt Nam không còn làm ăn nhỏ lẻ nữa. Với đà này, các DN BĐS Việt có thể cạnh tranh với khối ngoại ở một số hạng mục đầu tư lớn.

Thừa nhận điều này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh nói rằng, các DN BĐS đang chứng tỏ nội lực và đứng vững trên đôi chân của mình.

Tuy nhiên, ông Châu cũng không phủ nhận những việc phải hợp tác với các đối tác nước ngoài, đặc biệt là về quy hoạch xây dựng, kiến trúc đô thị, ngay cả các thiết bị, vật liệu xây dựng các DN trong nước cũng phải hợp tác và học hỏi họ rất nhiều trong tương lai.

Có điều, bây giờ thị trường BĐS đã hình thành nên một cục diện cạnh tranh ngang bằng. Những khu đất đẹp, dự án lớn không còn mặc định sẽ rơi vào tay của khối NĐT ngoại mà nó đang chia đều cho cả hai khối. Thậm chí, khối nội còn có lợi thế nhỉnh hơn vì họ am hiểu thị trường BĐS Việt Nam.

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng