Diện tích đất dành cho giao thông ở Hà Nội chỉ đạt 50% so với tiêu chuẩn. Thiếu đất cho giao thông - vấn đề nằm ở khâu quy hoạch, tức là tầm nhìn.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông - Vận tải: Quỹ đất dành cho giao thông đường bộ ở Hà Nội, tính riêng trong khu vực nội thành có tổng cộng 343km đường, tương ứng với diện tích mặt đường là 5,25km2, chiếm khoảng 6,18% diện tích đất đô thị. So với các nước trong khu vực, tỷ lệ đất dành cho giao thông ở các đô thị lớn luôn chiếm 20 đến 22% tổng diện tích đất đô thị, ở các đô thị nhỏ, tỷ lệ này cũng tối thiểu là 15%. Như vậy, cứ cho Hà Nội là một đô thị nhỏ (dù không nhỏ về mặt diện tích và dân số) thì diện tích đất dành cho giao thông cũng chỉ đạt 50% so với tiêu chuẩn.
Thiếu đất cho giao thông. Đó là lý do chính dẫn đến việc nhiều năm nay, Hà Nội phải loay hoay mà không thể nào tìm ra lời giải cho bài toán chống ùn tắc giao thông. Đó là điều mà ai cũng nhìn thấy. Và hệ luỵ từ tình trạng ùn tắc giao thông không chỉ là sự lãng phí về thời gian của người tham gia giao thông, về lượng nhiên liệu phải tiêu thụ.
Mới đây, HĐND thành phố Hà Nội đã thành lập hai tổ công tác kiểm tra tình trạng ô nhiễm không khí của Thủ đô. Kết quả: Ô nhiễm không khí ở đô thị do giao thông gây ra chiếm 70%, nồng độ bụi trung bình trong không khí đo được tại các tuyến đường hay xảy ra ùn tắc cao gấp hơn 2 lần tiêu chuẩn Việt Nam.
Kết quả này cũng phù hợp với một thống kê khác của Bộ Y tế. Đó là: Các bệnh có tỷ lệ người mắc cao nhất đều là bệnh liên quan đến đường hô hấp. Cụ thể: viêm phổi là 4,16%, viêm họng và viêm amidan cấp 3,09%, viêm phế quản và viêm tiểu phế quản cấp 3,05%. ùn tắc giao thông, không còn nghi ngờ gì nữa, chính là kẻ thù chính đối với chất lượng sống của người dân Hà Nội hiện nay. Và, để giải quyết tình trạng này, rất nhiều giải pháp của ngành giao thông Thủ đô đều trở nên vô vọng bởi không đi được đến tận gốc của vấn đề: Thiếu đất cho giao thông.
Thiếu đất cho giao thông. Rõ ràng vấn đề nằm ở khâu quy hoạch, tức là tầm nhìn. Trong vòng 20 năm trở lại đây, Hà Nội đã phát triển nhanh cả về tầm vóc và dân số. Tuy nhiên, cũng trong thời gian ấy đã không có một bản quy hoạch chi tiết nào về tổng thể quỹ đất dành cho giao thông. Hà Nội được hiện đại hoá bằng hàng trăm dự án xây dựng, mỗi dự án là một bản quy hoạch, có khi chồng lấn lên nhau mà không quan tâm đến diện mạo chung của toàn thành phố. Những gói thầu nho nhỏ dọc theo con đường lớn khiến cho các đại lộ bị thắt nút giữa chừng đã nói lên phần nào sự manh mún của tầm nhìn quy hoạch. Một đô thị nhỏ cần 15% tổng diện tích để dành cho giao thông. Hà Nội mới đạt gần 50% tỷ lệ này. Vấn đề quy hoạch Thủ đô, đã đến lúc phải được nhìn một cách tổng thể mới thực sự đủ tầm.
DiaOcOnline.vn - Theo VOV News