Những tháng cuối năm 2009 và đầu năm 2010, thị trường bất động sản đã có nhiều dấu hiệu ấm lên. Tuy nhiên, với nhiều nhà đầu tư, việc quyết định xây dựng tòa nhà hoặc thiết kế các khu đô thị mới đang có những sự chi phối nhất định. Đó là nhà đầu tư phải lựa chọn giữa thiết kế kiến trúc sinh thái để giảm thiểu ô nhiễm môi trường hay vì lợi nhuận.
Tăng sinh thái sẽ giảm lợi nhuận
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cho biết, hiện nay trong lĩnh vực xây dựng có xu thế thiên về kiến trúc sinh thái mà nhiều nước trên thế giới đã và đang ứng dụng. Tại Việt Nam, khái niệm tòa nhà sinh thái hoặc thân thiện với môi trường khá non trẻ, chỉ mới xuất hiện khoảng 3 năm trở lại đây, nhưng dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ.
Tuy nhiên, không ít chủ đầu tư vẫn còn băn khoăn: Chỉ đơn giản nhất như nếu tăng diện tích cây xanh thì cũng đồng nghĩa với việc chủ đầu tư phải cắt giảm một phần diện tích xây dựng, do đó cũng sẽ giảm lợi nhuận của mình. Điều này thì không phải chủ đầu tư nào cũng sẵn lòng chấp nhận.
Khách sạn Majestic - tòa nhà xanh. Ảnh: Đức Trí |
Ông Nguyễn Hoàng Minh Vũ, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng - Bộ Xây dựng, cho biết, trung bình mỗi năm, các tòa nhà tiêu thụ 20% năng lượng điện. Và cùng với tốc độ gia tăng số lượng tòa nhà cao ốc 15%/năm hiện nay, thì lượng điện tiêu thụ trong tương lai sẽ còn rất lớn, trong khi nguồn cung ứng điện của nước ta đang thiếu trầm trọng.
Do đó, nếu chúng ta thúc đẩy các dự án xây dựng theo hướng các tòa nhà cao ốc sinh thái sẽ phần nào giúp giảm áp lực lên lĩnh vực cung cấp năng lượng. Để làm được điều này, chủ đầu tư có thể kết hợp thiết kế xen lồng kiến trúc sinh thái vào trong xây dựng. Đơn cử như thiết kế kết hợp tăng cường sử dụng ánh sáng mặt trời và thông gió tự nhiên; sử dụng trang thiết bị, vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng hoặc sử dụng năng lượng mặt trời...
Chỉ có điều, chi phí đầu tư xây dựng theo hướng này sẽ tăng hơn 15%-20% chi phí xây dựng thông thường. Việc này ảnh hưởng nhất định đến giá thành sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, với xu hướng phát triển bền vững như hiện nay thì người tiêu dùng sẽ dễ dàng chấp nhận những sản phẩm sinh thái vì lợi ích lâu dài của chính mình và xã hội.
Hệ thống pin mặt trời tại Khách sạn Majestic. |
Thiệt trước mắt để lợi lâu dài
Theo các chuyên gia, chi phí mua sắm thiết bị ban đầu là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, nhưng chi phí trong suốt quá trình khai thác dự án mới là quan trọng. Hiện tại ở nhiều nước trên thế giới, việc sử dụng các loại công nghệ, thiết bị tiết kiệm năng lượng hoặc công nghệ và thiết bị sử dụng nguồn năng lượng mới đã trở nên phổ biến.
Riêng tại Việt Nam, do người tiêu dùng chưa quan tâm nhiều đến các giải pháp tiết kiệm năng lượng, cộng với giá thành sản phẩm khá cao, nên loại hàng này chưa được tiêu thụ phổ biến trên thị trường. Đại diện Công ty cổ phần Phích nước Rạng Đông cho biết, công ty tung ra thị trường sản phẩm đèn huỳnh quang và chất lưu điện từ, điện tử tiết kiệm điện, nhưng việc tiêu thụ sản phẩm cũng gặp khó khăn, vì giá thành đắt gấp đôi sản phẩm cùng loại nhưng không tiết kiệm điện.
Ông Nguyễn Kim Đỉnh, Chủ tịch Tập đoàn Kim Đỉnh, cho biết nếu chủ đầu tư chọn thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời thì chắc chắn sẽ tăng chi phí đầu tư khoảng 15% – 40% chi phí đầu tư thiết bị thông thường. Thế nhưng theo ông, về lâu dài người tiêu dùng sẽ không phải chi trả thêm khoản chi phí nào từ việc sử dụng thiết bị này cho đến hết vòng đời sản phẩm.
Ông Nguyễn Hoàng Minh Vũ cho biết thêm, để tăng cường yếu tố sinh thái, thân thiện với môi trường trong các công trình nhà cao tầng, Bộ Xây dựng đã ban hành quy chuẩn xây dựng các tòa nhà phải sử dụng hiệu quả năng lượng. Quy chuẩn có hiệu lực từ năm 2005, nhưng việc áp dụng trong các công trình xây dựng trên thực tế còn hạn chế vì rào cản về tâm lý vị lợi nhuận của các chủ đầu tư. Tuy nhiên, việc phá bỏ các rào cản trên chỉ còn là thời gian ngắn vì những quy định về vấn đề tòa nhà xanh được thiết lập ngày càng chặt chẽ hơn.
Gần đây nhất, Bộ Tài chính đã và đang xây dựng quy định về thuế môi trường. Tổng cục Du lịch vừa đưa ra tại cuộc họp bàn về việc xây dựng hình ảnh khách sạn sinh thái. Theo đó, đầu năm 2011 sẽ triển khai thí điểm cho các khách sạn từ 3 đến 5 sao trên địa bàn Hà Nội; đến năm 2012, việc cấp nhãn sinh thái sẽ được triển khai đến các khách sạn trên toàn quốc.
Theo bà Đào Hoàng Liên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Xanh TPHCM, việc “xanh hóa” các tòa nhà đã và đang là xu thế bắt buộc mà nước ta cũng như thế giới đang hướng đến. Việc bắt buộc có thể xuất phát từ quy định, nhưng cũng có thể xuất phát từ áp lực thị hiếu người tiêu dùng. Do đó, cải thiện hình ảnh sản phẩm của mình theo hướng thân thiện môi trường là cách hiệu quả nhất, nếu các chủ đầu tư muốn thu hút người tiêu dùng đến với mình.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng