Chủ trương thắt chặt tín dụng cho vay đầu tư vào bất động sản (BĐS) cùng với lãi suất cho vay tăng cao đã làm cho thị trường trầm lắng.
Thị trường BĐS TP.HCM trầm lắng: Căn hộ bán với giá gốc
Theo một đánh giá mới nhất của Tập đoàn bất động sản hàng đầu của Mỹ là CBRE, thị trường BĐS tại thành phố Hồ Chí Minh hiện rất trầm lắng. Nhiều nhà đầu tư cá nhân đang bán tháo các căn hộ vì họ không thể duy trì khoản vay ngân hàng. Trong khi đó, lãi suất vay cao làm giảm sức hấp dẫn đối với người mua trong nước khi sử dụng dịch vụ vay thế chấp.
Còn đối với các chủ đầu tư, trước tình trạng khó vay vốn ngân hàng, nhiều đơn vị đã chuyển sang huy động vốn từ khách hàng mua căn hộ. Và để thu hút khách hàng, nhiều căn hộ chung cư đã phải bán ra với giá gốc.
Nhiều dự án tại TP.HCM đang đi theo quỹ đạo tự điều chỉnh mặt bằng giá chung, giảm trung bình 30%, thậm chí có nơi đến 50-60% so với đầu năm.
Một ví dụ cụ thể là giá căn hộ dự án Him Lam quận 8 đã trở về giá gốc, 14 triệu đồng/m2, giảm 50% so với thời kỳ sốt 28 triệu đồng/m2. Tương tự, dự án Thái Sơn 1, đã có sổ đỏ, thời điểm trước Tết có giá 25-28 triệu đồng/m2 nhưng nay chỉ còn 12-13 triệu đồng.
Hà Nội: Ít ảm đạm hơn
Trong khi đó, theo nhận định của Tập đoàn bất động sản Jones Lang LaSalle (Malaysia), thị trường BĐS Hà Nội giảm ở mức độ ít hơn. Giá rao bán căn hộ tại đây đã giảm từ 15-25% so với quý IV/2007.
Tuy nhiên, tập đoàn bất động của Malaysia cho rằng, đầu tư vào bất động sản đã trở nên kém hấp dẫn và kém đảm bảo so với mức lãi suất huy động tiền gửi hiện tại của các ngân hàng.
Còn theo CBRE, căn hộ chung cư tại Hà Nội đứng giá, và thị trường vẫn tương đối ổn định trong suốt thời gian dài vừa qua. Tại Hà Nội, các dự án phát triển nhà ở cao cấp tại khu trung tâm vẫn đang chiếm thế mạnh và cung vẫn thấp hơn cầu rất nhiều.
Hiện giá các căn hộ chung cư tại nhiều khu vực ở Hà Nội như Mỹ Đình, Yên Hoà, Văn Quán... đang đứng ở mức 16 triệu đồng/m2 trở lại. Mức giá này được cho là tương đối hợp lý.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Nguyễn Trần Nam, cho biết, thị trường BĐS hiện nay đang trở về đúng quỹ đạo, đúng với giá trị thật. Theo ông Nam, giá thành xây dựng chung cư cao cấp hiện nay đã tính đến yếu tố giá đầu vào tăng, (bao gồm cả tiền đất và tiền xây dựng) cũng chỉ khoảng trên 10 triệu đồng/m2. Vì vậy, giá chung cư chỉ ở mức 15-18 triệu đồng/m2 là hợp lý và chủ đầu tư đã lãi rất nhiều rồi.
Thị trường BĐS còn gặp nhiều khó khăn
Với mục tiều kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách để thắt chặt chi tiêu. Vào ngày 19/5 lãi suất cơ bản đã được nâng từ 8,75% lên 12% và từ ngày 11/6, lãi suất cơ bản lại được điều chỉnh lên 14%.
Với mức lãi suất cơ bản mới, trần lãi suất mà các ngân hàng thương mại cho các tổ chức kinh tế vay (theo quy định không quá 150% lãi suất cơ bản) được nới lên thành 21%. Cùng với sự mất giá của đồng Việt Nam so với USD gần đây thì thị trường bất động sản được dự báo sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa trong thời gian tới.
Hiện giao dịch nhà, đất trên thị trường TP.HCM hầu như tê liệt. Khách hàng bắt đầu có dấu hiệu hoảng loạn bởi nhiều nhà đầu tư lớn muốn tháo chạy nên xả hàng ồ ạt. Tại các sàn giao dịch ở những chợ địa ốc đầu mối, lượng giao dịch nhà, đất thấp nhất từ trước đến nay.
Từ đầu tháng 6 tới nay, giá nhà đất tại TP.HCM đã giảm thêm khoảng 10% nữa và thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi.
Việc cho phép người nước ngoài, Việt kiều mua nhà chung cư cũng không khiến cho thị trường sôi động trở lại.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhận định chủ trương cho phép người nước ngoài mua nhà chỉ là một yếu tố kích thích thị trường nhà đất trong giai đoạn khó khăn hiện nay, chứ chưa thể tạo sự sôi động cho thị trường nhà đất nói chung và thị trường căn hộ nói riêng. Bởi không phải người nước ngoài nào, có đủ điều kiện được phép mua nhà ở Việt Nam sẽ mua nhà. Đối với một bộ phận không nhỏ người nước ngoài, ngay chính trên quê hương họ cũng đi thuê nhà để ở, chứ không có tập quán mua nhà như người Việt Nam.
Tuy nhiên, các tập đoàn bất động sản vẫn rất lạc quan về thị trường bất động sản Việt Nam.
Theo CBRE, về lâu dài thị trường bất động sản Việt Nam vẫn tăng trưởng, tại Hà Nội, nguồn cung sẽ không đáp ứng được lượng cầu trong năm 2008 và 2009, mà phải đến năm 2010 và sau đó. Tuy nhiên, do chính sách thắt chặt cho vay của các ngân hàng thương mại, tăng lãi suất tiền gửi và chi phí xây dựng, nhiều chủ dự án hiện đang lùi tiến độ hoặc thậm chí từ bỏ các dự án phát triển của mình. Điều đó cũng có nghĩa nếu như các dự án không hoàn thành đúng tiến độ, thì nguồn cung trên thị trường chắc chắn bị ảnh hưởng tới sau 2010.
Còn theo Jones Lang LaSalle dự báo thì đến cuối 2009 đầu 2010 khi nền kinh tế ổn định, với sự hỗ trợ của các chính sách mới như quyền sở hữu căn hộ của người nước ngoài, thị trường căn hộ được nhận định là sẽ sôi động trở lại và thời gian hiện nay được cho là "hạ nhiệt" tạm thời.
Theo VietNamNet