“Năm 2015, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với ngân hàng tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường và các doanh nghiệp kinh doanh BĐS. Đồng thời giải quyết tốt nhu cầu nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp, các đối tượng chính sách xã hội…” là khẳng định của ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS tại Hội thảo Khoa học “Kinh doanh BĐS - Cơ hội và thách thức trong đà phục hồi của thị trường” tại TP.HCM ngày 30/1/2015.
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS phát biểu tại Hội thảo. |
Từ các chính sách trên, ông Hà dự báo, thị trường BĐS năm 2015 sẽ tiếp tục tăng trưởng, lượng hàng tồn kho tiếp tục giảm, xu hướng mua bán, sáp nhập các dự án tiếp tục tăng, nhiều dự án trước kia tạm dừng sẽ được khởi động trở lại.
Cùng với ông Hà, các chuyên gia cũng đã phác họa khá rõ nét “chân dung” thị trường BĐS trong năm 2015. Với PGS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân thì “Những dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng kinh tế vĩ mô năm 2015 sẽ là trợ lực tin cậy cho sự phục hồi thị trường BĐS. Tuy nhiên, đây mới chỉ là tiền đề. Để thị trường BĐS phát triển thì cần phải nới lỏng nguồn vốn tín dụng và có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các chủ đầu tư các dự án có sản phẩm dở dang”.
Ông Cường cũng cảnh báo, sản phẩm BĐS cao cấp tồn kho thì còn có khả năng giải quyết theo thời gian, nhưng “nếu phát sinh dư thừa BĐS thấp cấp, nhà ở giá thấp không xuất phát từ quy luật khách quan của đầu tư mà vì các giải pháp tình thế thì sẽ có nguy cơ bế tắc vì không có cơ chế tự điều chỉnh”.
TS Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh có cái nhìn tích cực hơn về thị trường BĐS trong năm 2015. Ông Nghĩa phân tích, năm 2014 tăng trưởng kinh tế trong nước đã hồi phục, đường cong lãi suất đã hình thành khá tốt, triển vọng cho vay trung, dài hạn tăng lên, lãi suất và tỷ giá hối đoái ổn định đã tác động trực tiếp đến thị trường BĐS. Hiện phân khúc nhà ở phổ thông đã phục hồi khá tốt, phân khúc nhà ở cao cấp cũng đã phục hồi nhẹ. Theo ông Nghĩa, về dài hạn BĐS vẫn là kênh đầu tư chủ chốt và hấp dẫn. Tuy nhiên ông Nghĩa cũng cảnh báo những rủi ro trong thời gian tới mà những nhà đầu tư kinh doanh BĐS cần quan tâm, đó là đường cong lãi suất có thể thiết lập mặt bằng mới cao hơn do trái phiếu Chính phủ tăng mạnh. Một khi tín dụng tăng sẽ dễ đẩy thị trường BĐS quay trở lại tình trạng bong bóng… Vì thế ông Nghĩa khuyến cáo nhà đầu tư cần thận trọng hơn đối với thị trường này.
Ông Lê Chí Hiếu - TGĐ Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức dự báo: “Năm 2015 phân khúc nhà ở giá rẻ vẫn tiếp tục là kênh giao dịch chủ lực vì đây là phân khúc nhu cầu thật của người dân. Kênh BĐS căn hộ có giá trung bình - khá vẫn được coi là kênh đầu tư an toàn cho nhà đầu tư so với kênh chứng khoán, vàng và ngoại tệ. Riêng đất nền dự án tại các quận 7, 2, 9, Bình Tân… vẫn tiếp tục thu hút các nhà đầu tư. Các dự án thuộc khu vực ngoại thành, vị trí vùng ven như Long An, Long Thành - Đồng Nai, Bình Dương… sẽ phát triển mạnh do giá đất khu vực nội thành ngày càng cao. Thị trường sẽ chú trọng vào nhu cầu nhà ở nhiều hơn cơ hội đầu tư”.
Ông Hiếu cho biết thêm, năm 2014 thị trường BĐS đã chứng kiến sự sàng lọc mạnh mẽ. Những nhà đầu tư thiếu năng lực, thiếu chuyên nghiệp, kinh doanh theo kiểu “ăn xổi” đã bị loại bỏ hoặc phải rút vốn để trả nợ, tính toán phương án kinh doanh khác phù hợp hơn. Các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có tiềm lực tài chính đủ mạnh, kinh nghiệm quản lý tốt đã thực sự vào cuộc. Họ đã tự tạo sân chơi và vị thế cho mình. Hàng loạt dự án BĐS tung hàng trong năm 2014 cho thấy chủ đầu tư đã rất chuyên nghiệp, rất linh hoạt trong các phương án kinh doanh tiếp cận nguồn cầu.
TS Trương Anh Tuấn - Chủ tịch Hoàng Quân Group - một trong số các doanh nghiệp tiên phong đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ, từ thực tế triển khai dự án đã kiến nghị: “Nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ được định hướng thực hiện theo đúng chiến lược nhà ở quốc gia gia của Chính phủ nên cần sự ổn định lâu dài về mặt chính sách. Bên cạnh đó, mức lãi suất dành cho doanh nghiệp chỉ nên bằng ½ mức lãi suất thương mại để doanh nghiệp yên tâm đầu tư dự án. Các cơ quan quản lý cũng cần đơn giản hóa và tiết giảm khối lượng giấy tờ hành chính đối với các dự án đầu tư nhà ở xã hội. Riêng đối với khách hàng mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ, Chính phủ cần điều chỉnh mức lãi suất từ 6%/năm hiện nay xuống còn 3%/năm để tiệm cận với khả năng tài chính của những người có thu nhập thấp…”.
Sau khi lắng nghe nhận định của các chuyên gia, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam kết luận: Năm 2015, cơ hội và thách thức đối với thị trường BĐS là ngang nhau. Các tham luận đều đã làm rõ được những khó khăn và chỉ ra những vấn đề mà doanh nghiệp BĐS cần giải quyết trong ngắn hạn nhằm ứng phó với những khó khăn này.
Thứ trưởng cũng cho rằng, những đánh giá, tổng kết trong thời gian qua và những dự báo trong thời gian tới sẽ là nguồn tư liệu để các cơ quan làm chính sách nghiên cứu, từ đó ban hành chính sách sát với thực tế, tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, từ đó hướng thị trường phát triển một cách minh bạch và ổn định hơn.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng