Tình trạng nguội lạnh của thị trường BĐS được chuyên gia lý giải đó là hệ quả của các giải pháp kiềm chế lạm phát. Nếu chúng ta vượt qua tình trạng lạm phát hiện nay thì sẽ dẫn tới được trạng thái bình ổn của thị trường nói chung, dòng vốn từ các ngân hàng thương mại cho đầu tư BĐS sẽ trở lại và thị trường sẽ tiếp tục ấm lên.
Nếu như dư luận gần đây đang lo lắng về vấn đề thị trường bong bóng và đang lao dốc thì lãnh đạo quản lý BĐS lại cho rằng đó chỉ là sự hiểu lầm. Theo đó, ông Vũ Xuân Thiện, Cục phó Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho rằng, đúng là thị trường đang có những khó khăn chung, đặc biệt là về vấn đề vốn, tuy nhiên lại chưa đến mức quá nghiêm trọng.
Thị trường BĐS cả nước có khoảng trên 4.000 doanh nghiệp. Nhìn nhận về khu vực thì phía Nam trong nửa năm đầu, đặc biệt là tháng 6.2011 có mức giảm giá khoảng 5% so cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, theo ông Thiện, mức giảm này chưa đến độ gây khó khăn thực sự cho doanh nghiệp. Bởi lẽ, nếu doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu khi tham gia dự án BĐS, tức bản thân họ phải có vốn từ 15-20% thì mức giảm giá chỉ 1-2% so với đầu 2010 của thị trường, cộng thêm mức độ trượt giá của đồng tiền chăng nữa, cũng chưa ảnh hưởng đến độ doanh nghiệp phá sản.
Thị trường BĐS sẽ "ấm" lên khi kiềm chế được lạm phát.
|
Thế nhưng, dù giảm giá hơn trước nhưng thị trường dường như vẫn rất im ắng, ít có giao dịch thành công, đặc biệt là phân khúc biệt thự, nhà liền kề. Lý giải về tình trạng nguội lạnh của thị trường BĐS, tại buổi giao lưu trực tuyến “Thị trường BĐS, cơ hội cho người cần nhà” ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường cho hay đó chính là hệ quả của các giải pháp kiềm chế lạm phát. Trong kinh tế, khi rơi vào hoàn cảnh lạm phát thì buộc phải sử dụng chính sách giảm cung tiền cho thị trường bằng cách nâng lãi suất ngân hàng để thu tiền trở lại các ngân hàng thương mại. Điều đó là trái với nhu cầu cần vốn của thị trường BĐS và ở bất kì nước nào thì câu chuyện này luôn luôn xảy ra khi phải chống lại lạm phát.
Do đó, theo ông Võ, chúng ta đừng hi vọng chúng ra sẽ phá băng cho thị trường BĐS lúc này vì lúc này chúng ta vẫn đang phải tiếp tục sự nghiệp kiềm chế lạm phát. Nhiều nhà kinh doanh BĐS đang kêu ca than vãn vì luồng vốn tín dụng vào thị trường BĐS đang bị kiểm soát, nhưng sự thực thì các nhà đầu tư BĐS có được vay với lãi suất trên 20% thì cũng không phải là tiền vay cho đầu tư BĐS.
Thời gian thị trường BĐS nóng chứa những yếu tố đầu cơ khá mạnh, có “bong bóng” trong thị trường đã đóng góp cho lạm phát ngày hôm nay, vậy hệ quả hiện nay là tất yếu vì những diễn biến trước đây ở trong thị trường.
“Thị trường có những lúc nóng, lúc lạnh cũng là chuyện bình thường trong một cơ chế thị trường, cách tốt nhất là các nhà đầu tư hiện nay hãy chủ động tìm kiếm vốn thông qua hình thức góp vốn của người tiêu dùng, liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài để tìm hướng đi cho những dự án đang triển khai”, ông Võ khuyến cáo.
Theo nhận định của ông Võ, nếu chúng ta vượt qua tình trạng lạm phát hiện nay thì sẽ dẫn tới được trạng thái bình ổn của thị trường nói chung, dòng vốn từ các ngân hàng thương mại cho đầu tư BĐS sẽ trở lại thị trường BĐS và thị trường lại tiếp tục ấm lên.
Lúc nào thị trường BĐS ấm lên hoàn toàn phụ thuộc vào thời điểm chúng ta kiềm chế được lạm phát cũng như tình trạng tăng giá hàng như hiện nay. Chúng ta cũng biết rằng, có dấu hiệu một số mặt hàng đã ngừng tăng, hoặc tăng với mức độ chậm hơn trước đây.
Tuy nhiên, theo ông Võ, khó có thể dự báo được thời điểm nào chúng ta kiềm chế được lạm phát, đưa nền kinh tế tăng trưởng lại bền vững. Hi vọng thời điểm này sẽ đến sớm nhất, sau đó sẽ là tình trạng bình ổn và ấm lên của thị trường BĐS.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động