Suốt thời gian qua, việc âm thầm đầu tư của khối ngoại khiến người ta lâu nay lầm tưởng họ cũng bị ảnh hưởng khó khăn chung của thị trường. Nhưng ngược lại, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn từng bước đầu tư để tranh thủ giành thị trường, thậm chí vươn lên top đầu ở một số lĩnh vực khác trong thời điểm các DN trong nước đang mải co cụm.
Hai nhà đầu tư Hàn Quốc là GS E&C và Quỹ đầu tư phát triển BĐS, những đơn vị đang phát triển các dự án căn hộ khu vực quận 2 và 9, TP. Hồ Chí Minh vừa mở tuyến xe buýt đưa cư dân ở đây vào trung tâm thành phố, đi Phú Mỹ Hưng, nơi có nhiều người nước ngoài sinh sống. Mặc dù “chiêu trò” này không mới đối với các nhà đầu tư châu Á làm ăn ở Việt Nam, nhưng lại đang tạo ra những giá trị tăng thêm rất quan trọng đối với người dân, thu hút được sự quan tâm của khách hàng.
Hay ở một diễn biến khác, trong khi các DN trong nước đang mải mê kêu than khó khăn, bỏ bê dự án, quỹ đất tốt đã bị giới đầu tư nước ngoài lặng lẽ thu vào. Từ giữa năm 2013, VinaCapital đã thông 2 quỹ chuyên đầu tư BĐS là Vinaland và Quỹ đầu tư cổ phần tư nhân - VOF giành được 800 ha đất sạch với tỷ lệ sở hữu chi phối. Ở đây có hai dự án đang thực hiện là Danang Beach Resort và Đại Phước Lotus, tỷ lệ sở hữu cổ phần của hai quỹ tại các dự án trên lần lượt 100% và 72%.
Có thể kể ra rất nhiều trường hợp như trên, khi nhiều nhà đầu tư nước ngoài thời gian qua rục rịch chuẩn bị các loại sản phẩm cho thị trường BĐS. Chẳng hạn, Tập đoàn Keppel Land (Singapore) đang tham vọng triển khai khoảng 20 dự án tổ hợp thương mai, văn phòng cho thuê cùng hơn 22.000 căn hộ ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… Chiến lược kinh doanh khác hẳn giữa DN ngoại và nội chủ yếu do chênh lệch về tiềm lực tài chính, với lợi thế nghiêng về khối ngoại. Sự cạnh tranh có thể thấy ở hầu hết các mảng kinh doanh.
Cách làm của những nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực BĐS không ồn ào. Nhưng, những người “sành sỏi” trong phân tích thị trường có thể nhận ra những chiêu trò che đậy “miếng” kinh doanh của giới ngoại, đó là họ chưa bao giờ có ý định thay đổi danh mục đầu tư với BĐS. Các đánh giá gần đây đều cho thấy, nhà đầu tư ngoại tiếp tục săn lùng dự án tốt để mở rộng thêm những lĩnh vực họ đang nắm giữ chứ không thu hẹp hoặc chuyển nhượng lại. Và khi hầu hết những mảnh đất “ngon” dần chuyển vào trong tay nhà đầu tư nước ngoài, các DN trong nước gần như đã hết cơ hội chen chân vào những mặt bằng tốt.
Điều đó cho thấy, suốt thời gian qua, việc âm thầm đầu tư của khối ngoại khiến người ta lâu nay lầm tưởng họ cũng bị ảnh hưởng khó khăn chung của thị trường. Nhưng ngược lại, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn từng bước đầu tư để tranh thủ giành thị trường, thậm chí vươn lên top đầu ở một số lĩnh vực khác trong thời điểm các DN trong nước đang mải co cụm.
DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng