Không thể đơn giản nghĩ rằng hàng "ế” đối với người dùng trong nước lại có thể bán được một cách dễ dàng hơn đối với người nước ngoài. Lâu nay, ngoài những rào cản khiến người nước ngoài, Việt kiều chưa mua nhà tại Việt Nam về lý do thủ tục, chính sách rườm rà, khó khăn thì còn là do giá nhà "ảo” tồn tại trong một thời gian quá dài.
Một cửa chống "ế”
Thông tin nhiều khả năng sắp tới Chính phủ sẽ cho phép người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam được TS Võ Đại Lược, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới, đưa ra tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân năm 2013 cuối tuần trước ngay lập tức thu hút sự quan tâm. Theo lý giải của của ông Lược, muốn giải cứu thị trường bất động sản hiện nay, không thể chỉ dựa vào nguồn lực trong nước. Việc để cho người nước ngoài được phép mua nhà tại Việt Nam vừa nhằm giải thoát cho thị trường BĐS khỏi cảnh tồn kho lại vừa thay đổi một thực tế lâu nay, đó là không thể để tình trạng khó hiểu "trong thời đại toàn cầu hóa như thế này mà chúng ta vẫn còn lạc hậu đến mức không cho người nước ngoài vào mua nhà của mình”.
Còn nhớ 5 năm trước (năm 2009), Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam có hiệu lực, chỉ được áp dụng thí điểm trong thời hạn 5năm. Hết năm nay, chính sách thí điểm này sẽ hết hiệu lực nhưng một con số "èo uột” đáng phải suy nghĩ khi tổng số cả nước có chưa tới 500 trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam, trong đó TP.HCM có số người nước ngoài được mua nhà nhiều nhất tính đến thời điểm này. Trong tổng số 80.000 người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam thì đây quả là một con số đáng buồn.
Mà xét cho cùng, người nước ngoài mua nhà xong rồi thì người ta cũng không thể nào mang cái nhà đó về nước được. Hơn nữa đâu phải người nước ngoài mua nhà rồi họ muốn làm gì trong ngôi nhà đó cũng được, chúng ta còn có những quy định pháp luật khác để ràng buộc về mặt an ninh, quốc phòng. Rõ ràng, khi chúng ta đang loay hoay với hàng chục nghìn căn hộ chung cư cao cấp tồn kho, trong bối cảnh DN không muốn hạ giá tới 30% -50%, thì việc nới rộng phạm vi "cầu” bằng giải pháp chính sách rất có thể đem lại hy vọng mới có thể tháo gỡ tình trạng bế tắc hiện nay.
Kỳ vọng mong manh
Tuy nhiên, phải nói ngay rằng không phải cứ cho phép người nước ngoài mua là họ sẽ mua để rồi hy vọng hàng nghìn căn hộ ế sẽ được bán hết. Bởi không thể đơn giản nghĩ rằng hàng "ế” đối với người dùng trong nước lại có thể bán được một cách dễ dàng hơn đối với người nước ngoài. Lâu nay, ngoài những rào cản khiến người nước ngoài, Việt kiều chưa mua nhà tại Việt Nam về lý do thủ tục, chính sách rườm rà, khó khăn thì còn là do giá nhà quá "ảo” kéo dài trong một thời gian dài.
Báo cáo của Ủy ban kinh tế Quốc hội cho biết: giá BĐS ở các thành phố lớn của Việt Nam thuộc loại cao trên thế giới trong khi thu nhập bình quân đầu người thấp nhất thế giới. Giá nhà đất tăng lên 100 lần trong vòng 20 năm. Giá nhà ở trung bình cao hơn 25 lần so với thu nhập bình quân của người lao động và lớn hơn gấp 5 lần so với các nước phát triển. Trong khi đó, so với thu nhập, giá BĐS trung bình ở các nước châu Âu chỉ bằng 7 lần, Thái Lan 6,3 lần, Singapore là 5,2 lần. Ông Sam Cucurullo, chuyên gia Quản lý BĐS khu vực châu Á - Thái Bình dương còn phải thốt lên rằng: Tôi không hiểu, người Việt Nam thu nhập có mức bình quân như vậy mà lại mua được một căn nhà với giá cao như thế.
Cho nên đi kèm với việc tháo gỡ những rào cản về thủ tục thì vẫn còn không ít những lực cản khác cần phải được "dọn dẹp”. Đó là khi những điều kiện cần là giá cả chưa về đúng với giá trị thật, chưa hết "ảo”, và những điều kiện đủ là nền kinh tế chưa có dấu hiệu khởi sắc, môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực sự cởi mở thì việc "nới” về thủ tục cho người nước ngoài, việt kiều mua nhà vẫn sẽ chỉ là chính sách khó đi vào thực tế. Rõ ràng, muốn tranh thủ được mọi nguồn lực, nhất là từ tiềm năng bên ngoài trong lúc khó khăn để giải cứu thị trường BĐS ngoài việc rất cần một thái độ cầu thị của các nhà quản lý thì một chiến lược "giải cứu” đồng bộ là một đòi hỏi không thể xem nhẹ. Đó cũng là tâm lý muốn bán một món hàng "ế” thì phải gia tăng khuyến mại.