Top

Thị trường bất động sản: cầu giảm, áp lực cạnh tranh tăng

Cập nhật 04/10/2010 16:25

Thông thường, cứ vào độ giữa năm, thị trường bất động sản chững lại, song đến khoảng cuối quý 3, thị trường sẽ bắt đầu đón “sóng” mới.

Tuy nhiên, năm nay, giới quan sát thị trường cho rằng, mặc dù nhu cầu về nhà ở hiện nay rất lớn, nhưng các công ty địa ốc, vì nhiều lý do khác nhau, vẫn đang phải chật vật chào bán sản phẩm tới người mua nhà để ở. Hơn nữa, việc vắng bóng các nhà đầu tư thứ cấp nhỏ lẻ do tính thanh khoản của thị trường thấp cũng là một nguyên nhân khiến thị trường ít sôi động hơn.

Theo ông Dương Chí Thiện, phó tổng giám đốc Neoland, thị trường nhà đất từ nay đến cuối năm sẽ khó có “sóng” như các năm trước. Hiện chưa có tín hiệu thực tế gì cho thấy thị trường sẽ khởi sắc. Cụ thể, có ba chính sách liên quan đến tài chính, thuế sử dụng đất và hoạt động kinh doanh đang làm cho các ngân hàng, chủ đầu tư và khách hàng “sợ” đầu tư vào thị trường này. Về vấn đề tài chính, nổi bật là thông tư 13 quy định về các tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng khiến nguồn vốn ngân hàng giải ngân vào thị trường bất động sản chỉ “nhỏ giọt”. Về thuế sử dụng đất và hoạt động kinh doanh, nghị định 71 sẽ khiến thị trường bất động sản chỉ hợp với những nhà đầu tư và các quỹ lớn đầu tư dài hạn, còn việc đầu cơ ngắn hạn sẽ rất khó khăn.

Xu hướng thị trường hiện nay đang nghiêng về phân khúc căn hộ có giá trung bình và thấp, vì phân khúc này phù hợp với khả năng tài chính của đa số người mua. Tuy nhiên, trước việc các chủ đầu tư dự án dịch chuyển về phân khúc này ngày càng nhiều, nguồn cung tăng thêm, tạo áp lực cạnh tranh giữa các dự án trong phân khúc này. Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, đã qua thời kỳ người mua nhà đổ xô đến các dự án để tranh nhau mua căn hộ; thị trường đã thay đổi và giới chủ đầu tư dự án đang phải điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu của thị trường. Còn theo ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng, phó tổng giám đốc công ty phát triển nhà Thủ Đức, phân khúc căn hộ trung bình vẫn bán được trong mười năm tới; vấn đề là chủ dự án có dám tiếp tục đầu tư hay không. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh không chỉ có các doanh nghiệp trong nước, một số công ty địa ốc nước ngoài cũng đang nhắm đến thị trường này. Mới đây, lãnh đạo công ty CapitaLand cho biết, sau khi cất nóc dự án căn hộ The Vista ở quận 2, TP.HCM, sẽ bắt đầu phát triển các dự án căn hộ có giá dưới 20 triệu đồng/m2 nhằm đa dạng dòng sản phẩm của mình tại thị trường Việt Nam.

Theo nhận định của giới chuyên môn, trong ngắn hạn, nguồn cung lớn đang tạo áp lực về giá cho các dự án, và xu hướng phát triển dự án căn hộ ra các khu vực ngoại thành sẽ tiếp tục vì giá đất ngày càng cao. Trước đây, yếu tố khoảng cách có thể là rào cản cho các dự án ở xa trung tâm thành phố, nhưng việc phát triển hạ tầng giao thông đang giúp kéo gần dự án lại với người tiêu dùng. Dù có nhiều nhận định từ các quỹ đầu tư nước ngoài cho rằng, tỷ suất sinh lợi trên thị trường bất động sản Việt Nam vẫn rất hấp dẫn, song các chuyên gia cho rằng, đấy là nói về dài hạn, còn ngắn hạn thì thị trường khó mà vực dậy. Bởi vì, những quỹ đầu tư lớn khi đổ vốn vào bất động sản, thì họ xác định ít nhất cũng mất từ bốn đến năm năm mới thu hồi được vốn và lợi nhuận.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị