Một số chuyên gia bán lẻ cho rằng, dù thị trường đang có xu hướng đi xuống nhưng cơ hội cho phân khúc siêu thị, trung tâm thương mại vẫn còn bởi nguồn cầu cho các nhu yếu phẩm luôn cao.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng năm 2013 đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 4,9%. Các chỉ tiêu trên đã thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng tăng 18,7% và 6,7%.
Báo cáo nghiên cứu thị trường của Nielsen cũng cho thấy, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam giảm 1 điểm xuống 95 trong quý II/2013. Còn vào năm ngoái, nghiên cứu của hãng tư vấn A.T. Kearney (Mỹ) về các thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới đã “đá văng” Việt Nam khỏi top 30, dù trước đó vào năm 2008 cũng hãng này đánh giá Việt Nam ở vị trí đầu bảng.
Thị trường bán lẻ tưởng chừng ảm đạm với Hang Da Gallery, Grand Plaza đóng cửa tái cấu trúc, nhiều chợ truyền thống chuyển đổi thành Trung tâm thương mại (TTTM) nhưng không thành công như chợ Cửa Nam và chợ Mơ… Nhưng trên thực tế, vẫn có những diễn biến trái ngược.
Thời gian này, Vincom Mega Mall, TTTM trong lòng đất, kín chỗ 95% số cửa hàng; nhiều hạng mục vui chơi giải trí hiện đại lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam khiến nơi đây trở thành điểm đến cuối tuần của nhiều gia đình Việt. Cùng lúc, nhiều “đại gia” bán lẻ ngoại liên tục thâm nhập thị trường Việt Nam. Nhà bán lẻ Lotte Mart của Hàn Quốc đã chính thức công bố siêu thị đầu tiên của họ tại Hà Nội sẽ đi vào hoạt động trong quý I/2014, với việc thuê 4 sàn thương mại (khoảng 20.000 m2) của TTTM Mipec Mall (Pico Mall trước đây), nhằm định vị lại thương hiệu đối với hạng mục bán lẻ.
TP. Hồ Chí Minh tuy không “nóng” như thị trường Hà Nội nhưng đã có hai siêu thị mới tham gia vào thị trường là Co.op Xtra Plus Linh Trung (do Saigon Co.op và NTUC FairPrice của Singapore cùng hợp tác đầu tư, cung cấp hơn 50.000 mặt hàng với diện tích 15.000 m2) và Co.opmart Bình Triệu (6.500 m2) tại quận Thủ Đức. Đây là mô hình kinh doanh mới cung cấp cả việc bán số lượng lớn và bán lẻ cùng với khu vực giải trí cho cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp.
Cũng trong dòng chảy này, một số thương hiệu cao cấp tiếp tục gia nhập vào thị trường bán lẻ như Versace và Hugo Boss... Ngoài ra, các thương hiệu mỹ phẩm và thời trang hiện đã có mặt trên thị trường như M.A.C, Nine West, Daniel Hechter… vẫn tiếp tục khai trương thêm cửa hàng mới tại các khu TTTM.
Pizza Company (Ý), thương hiệu pizza thứ tư, cũng vừa có mặt tại thị trường Việt Nam, dự báo sẽ cạnh tranh với các chuỗi cửa hàng pizza hiện nay như Pizza Hut, Pizza Inn và Domino’s Pizza. Cửa hàng đầu tiên của thương hiệu này sẽ được mở cửa tại trung tâm mua sắm Vincom A, quận 1. Nhiều tập đoàn bán lẻ hàng đầu đã khẳng định sự hiện diện tại Việt Nam sau thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường, cũng như thị hiếu người tiêu dùng trong nước như Emart (Hàn Quốc), AEON (Nhật Bản); McDonald’s (Mỹ)…
Theo khảo sát của Knight Frank, những vị trí tốt, có khả năng kinh doanh hiệu quả luôn được nhiều đối tượng quan tâm…
Ở một diễn biến khác, do áp lực về doanh thu và chi phí thuê mặt bằng đắt đỏ, mô hình cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini được dịp tăng vọt do diện tích mặt bằng không lớn lại dễ đầu tư. Ông trùm Thái Lan về hệ thống cửa hàng tiện lợi đã nhanh chóng đặt chân vào thị trường bán lẻ Việt Nam bằng việc mua vốn tại FamilyMart (Nhật Bản).
Nghiên cứu của các nhà bán lẻ cho rằng, kinh tế khó khăn, mô hình cửa hàng tiện lợi ít bị ảnh hưởng, vẫn tăng trưởng tốt. Người tiêu dùng có xu hướng tìm đến những cửa hàng nhỏ như một cách tiết kiệm chi tiêu bởi dễ tập trung vào thứ cần mua.
Chủ sở hữu chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods xác định, đây là mô hình bán lẻ phù hợp để mở rộng trong thời gian tới. Satrafoods tiếp tục khai trương các cửa hàng tiện lợi thứ 20 và 21 tại quận Phú Nhuận và Gò Vấp với trên 2.000 sản phẩm được cung cấp tại mỗi cửa hàng. Cửa hàng thứ 11 của The Coffee Bean and Tea Leaf Việt Nam đã chính thức khai trương tại số 1-3 Phan Chu Trinh, quận 1. Ngoài ra, hai cửa hàng khác đang được trang trí mặt bằng để sớm khai trương.
Một số chuyên gia bán lẻ cho rằng, dù thị trường đang có xu hướng đi xuống nhưng cơ hội cho phân khúc siêu thị, TTTM vẫn còn bởi nguồn cầu cho các nhu yếu phẩm luôn cao. Savills Việt Nam nhận định, vẫn có tiềm năng lớn cho việc phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ hiện đại, do mật độ của loại hình này ở Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực: 9 cửa hàng/1 triệu dân so với Philippines (38), Indonesia (75) và Thái Lan (136). Trong khi đó, phía chính sách cũng đã mở cho nhà đầu tư ngoại nhảy vào lĩnh vực này.
Thông tư 08/2013/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định chi tiết về hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng có phần “cởi trói” hơn về quy định kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT). Theo đó, tại khoản 3, Điều 7 về lập cơ sở bán lẻ có quy định, trường hợp lập cơ sở bán lẻ có diện tích dưới 500 m2 tại khu vực đã được tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy hoạch cho hoạt động mua bán hàng hoá và đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng không phải thực hiện quy định về ENT.
Quý II/2013, công suất sử dụng diện tích bán lẻ trung bình toàn thị trường đạt khoảng 87%, giảm 2 điểm phần trăm theo quý và 10 điểm phần trăm theo năm. Công suất của toàn thị trường đang có xu hướng giảm từ quý II/2012. Mức giá thuê trung bình của toàn thị trường đạt khoảng 920.000 đồng/m2/tháng, tăng 7,3% theo quý. Việc tăng giá này chủ yếu là do việc mở cửa lại của TTTM Tràng Tiền với giá thuê cao nhất có thể lên đến 4.200.000 đồng/m2/tháng. Nếu tách riêng dự án này thì giá thuê trung bình của toàn thị trường giảm 0,2% theo quý, báo cáo của Savills Việt Nam cho biết.
DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng