Top

Thị trường bất động sản 2010:

Thêm một năm mua vào

Cập nhật 08/01/2010 09:10

Thị trường nhà đất tiếp tục ảm đạm, giới đầu tư giảm giá quyết liệt nhằm cắt lỗ vẫn không có người mua. Các sàn giao dịch thưa thớt người thăm viếng là bức tranh toàn cảnh của Bất động sản (BĐS) đầu năm ở Hà Nội. Nhà ở thiếu nhưng nhà bán lại không có người mua, nghịch cảnh này được giới kinh doanh BĐS dự báo là sẽ nhanh qua đi. nhưng liệu có như vậy?

Cách đây 2 tháng, một đợt cựa mình ngắn ngủi của thị trường BĐS khiến nhiều người cho là thị trường đã khởi sắc trở lại. Thậm chí một số khu vực như Cầu Giấy, Mỹ Đình hay một vài dự án tại An Khánh (Hà Nội) còn tăng giá vùn vụt từng ngày. Tuy nhiên những "ngày vui" của giới kinh doanh BĐS chẳng được lâu, chỉ như những tia nắng chói chang cố loé sáng rồi rủ bóng hoàng hôn để nhường chỗ cho một bầu không khí ảm đạm cho dù một năm mới đã sang.

Vào thời điểm này, các sàn giao dịch BĐS đều rất vắng khách, lác đác mới có một vài người ghé qua và chỉ để xem, nghe ngóng chứ không mua, bán. So với tháng 11/2009, các giao dịch thành công giảm hơn 90%.

Anh Vũ Hải, một người chuyên kinh doanh BĐS đang ôm khá nhiều BĐS tại khu Văn Quán, Dương Nội và An Khánh cho biết, anh muốn bán biệt thự có vị trí tương đối đắc địa tại khu An Khánh với giá gốc nhưng vẫn chưa có người mua. Những biệt thự này theo anh Hải, anh đã lỗ trên 1 tỷ/1 căn. Hơn 1 tỷ đồng này là chi phí lãi vay và các chi phí khác để mua được căn biệt thự mà anh đã phải bỏ ra từ cách đây hơn 2 năm.

Một DN mới mở sàn giao dịch BĐS tại khu vực Mỹ Đình cũng cho hay: mặc dù mới đây Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo TP Hà Nội phải nhanh chóng xây dựng quy hoạch trụ sở các cơ quan hành chính nhà nước tại khu vực này, quy hoạch Hà Nội trong tương lai, Mỹ Đình cũng là trung tâm hành chính song không vì thế mà nhà, đất ở đây lên giá. Trái lại cho dù có tin rất tốt như vậy song vẫn không có kẻ bán người mua và giá vẫn rớt thảm hại. Một số vị trí đất khá gần bể bơi Mỹ Đình, đường rộng gần 2 m đang được rao bán 19 triệu/m2. Cũng vị trí này vào thời điểm sốt giá có những lô đã được bán tới giá 25 - 27 triệu đồng/m2.
 

Thị trường ảm đạm, nhiều người tới các sàn BĐS hầu như chỉ để tham khảo


Vậy tại sao thị trường BĐS ở TP đắt nhất VN lại trở nên ảm đạm kéo dài như vậy? Giới chuyên môn cho rằng một phần là do chính sách thuế mới đây có nhiều thay đổi khiến tình hình thị trường càng trở nên "án binh bất động". Đó là việc đánh thuế 25% thu nhập hoặc 2% tổng giá trị giao dịch khiến giới đầu tư không thể xoay chuyển được do không thể hợp thức hoá được chi phí cũng như lợi nhuận.

Đặc biệt với đất nền dự án hay nhà chung cư, có quá nhiều chi phí ngoài giá gốc không biết đẩy vào đâu và như vậy các nhà đầu tư cũng như đầu cơ cầm chắc lỗ. Mới đây một tin tốt cho thị trường BĐS đó là Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính đang nghiên cứu để tìm phương án tháo gỡ. Song tin vẫn chỉ là tin, tháo thế nào vẫn chưa có lời giải cụ thể.

Cũng liên quan đến việc thị trường BĐS đã lún lại càng lún sâu hơn có nguyên do từ việc thắt chặt tiền tệ và tình hình kinh tế khởi sắc mới chỉ là những dấu hiệu. Trong khi Ngân hàng nhà nước khống chế hạn mức tăng trưởng tín dụng để chống lạm phát và hạn chế cho vay BĐS thì hoạt động kinh doanh vàng lại được bung ra mạnh tới mức "ngoài tầm kiểm soát" và nguồn cơn của trào lưu lên sàn vàng cũng được khơi gợi và tiếp sức bởi chính các ngân hàng. Vô hình trung, bằng việc đóng cửa cho vay BĐS nhưng mở cửa cho vàng khiến thị trường BĐS đã nguội trở nên lạnh ngắt.

Một quy luật vốn rất phổ biến tại VN là BĐS và chứng khoán luôn có sự liên thông. Tuy nhiên lại một nghịch cảnh đang xảy ra ngay tại thời điểm này là cả BĐS và chứng khoán đều lao dốc khiến rất nhiều câu hỏi đang tiếp tục treo lơ lửng và thật khó lý giải cho thấu đáo ?

Theo thống kê chưa đầy đủ của Hội BĐS - du lịch VN, năm nay có khoảng trên 10 tỷ USD đầu tư nước ngoài vào BĐS, chiếm 50% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào VN. Vốn của các DN trong nước đầu tư cho các dự án BĐS cũng tương đương với con số trên. Như vậy lượng vốn vào BĐS vẫn tăng mạnh. Tuy nhiên thực tế số vốn này ít nhất phải 2 - 3 năm nữa mới có thể thành hàng hoá, hiện nay phần lớn chỉ là dự án và nằm trên giấy.

Về tương lai thị trường vẫn được dự báo là rất khả quan do nhu cầu nhà ở vẫn đang rất cao và nhu cầu vốn cho BĐS vẫn tiếp tục tăng mạnh. Theo mục tiêu của Chính phủ, đến năm 2020, các TP lớn như: Hà Nội, TP HCM, diện tích nhà ở bình quân theo đầu người phải đạt 10 - 13 m2 một người. Như vậy, để phục vụ cho mục đích vay mua nhà phải bổ sung lượng vốn khoảng 1 tỷ USD mỗi năm.

Trong khi lãi suất cho vay đang có chiều hướng tăng dần, mục tiêu ổn định và duy trì tăng trưởng cũng sẽ vẫn là đích của năm 2010 thì nguồn tiền cho BĐS sẽ vẫn bị thu hẹp. Với thực tế này, thị trường BĐS được dự báo sẽ thoát khủng hoảng song ít nhất cũng phải là cuối 2010 trong điều kiện có những tháo gỡ về chính sách thuế. Năm 2010 vẫn là năm đầu tư, năm mua vào BĐS.


DiaOcOnline.vn - Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp