Top

Thành phố Biên Hòa xứng đáng là đô thị loại I

Cập nhật 29/12/2015 15:23

Là TP có tốc độ đô thị hóa nhanh, trong những năm qua Biên Hòa (Đồng Nai) vươn lên mạnh mẽ, phát triển vượt bậc, trở thành đô thị lớn của cả nước. Phát triển mạnh, nhanh, TP Biên Hòa cũng đối mặt với không ít thách thức…

TP Biên Hòa phát triển mạnh trong những năm gần đây (Theo internet).

Đô thị hóa nhanh

Là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh, TP Biên Hòa (Đồng Nai) là TP công nghiệp lớn của cả nước, là một trong những đầu mối giao thông quan trọng của vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, có vai trò, vị trí trọng yếu về an ninh, quốc phòng của khu vực miền Đông Nam bộ.

Đây cũng là đô thị cấp vùng loại I, là đô thị vệ tinh của TP.HCM có tốc độ đô thị hóa rất cao, trên 70%. Sau 22 năm là đô thị loại II, đến nay, TP Biên Hòa đã trở thành đô thị khang trang với hạ tầng ngày càng phát triển, là đô thị đông dân thứ 3 cả nước với trên 1 triệu người (sau Hà Nội và TP.HCM), có thu nhập bình quân đầu người (GDP) cao gấp hơn 2 lần so với trung bình cả nước, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn TP năm 2014 đạt 3.251,6 tỷ đồng. Hàng năm có hàng chục ngàn lao động di cư đến Biên Hòa đã khiến dân số TP tăng chóng mặt, gây áp lực lên hạ tầng cũng như các vấn đề giải quyết việc làm.

Với phương châm “chất lượng cuộc sống của người dân là tiền đề để phát triển”, TP đã dồn sức lực vào cuộc quyết liệt: Hạ tầng được quan tâm đầu tư, các dịch vụ, an sinh xã hội được cải thiện, nhà ở đặc biệt là nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp được quan tâm. Bộ mặt đô thị của Biên Hòa đã thay đổi, khang trang, hiện đại hơn. Hệ thống giao thông được đầu tư nâng cấp, các tuyến đường được xây dựng, mở rộng… không chỉ đáp ứng nhu cầu giao thông đô thị mà còn góp phần chỉnh trang bộ mặt đô thị hiện đại, khang trang.

Theo Chủ tịch UBND TP Biên Hòa, TP hiện đang tập trung đầu tư logictic để phát triển kinh tế vùng. Cơ cấu kinh tế những năm qua đã phát triển đúng hướng, tập trung phát triển dịch vụ chất lượng cao, công nghệ cao, quan tâm đầu tư hạ tầng, đầu tư các thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục, nâng cao chất lượng sống của người dân…

Giải quyết thách thức

Khó khăn nhất hiện nay của Biên Hòa là đầu tư hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Do điều kiện dân số tăng qúa nhanh, gây áp lực lớn về giao thông, trong khi nguồn lực cho đầu tư còn thấp so với nhu cầu thực tế. Do dân số tăng nhanh còn gây khó khăn cho vấn đề giáo dục, y tế. Mỗi năm có 8.000 học sinh mầm non, tiểu học nhập học, vì vậy cần xây thêm 4 trường học/năm. Giải quyết vấn đề trường học đặt ra cho TP bài toán khó, trong khi tiến độ xây dựng còn chậm do yêu cầu thủ tục đầu tư.

Theo bà Trần Thu Hằng - Phó vụ trưởng Vụ Kiến trúc Quy hoạch (Bộ Xây dựng), trước đây Biên Hòa phát triển công nghiệp thu hút nhiều lao động, nhưng giai đoạn tới nếu không thay đổi sang phát triển công nghiệp công nghệ cao thì Biên Hòa sẽ phải đối mặt nhiều vấn đề hạ tầng, xã hội khi áp lực dân số tiếp tục tăng nhanh. TP Biên Hòa có sông Đồng Nai cùng cảnh quan và những cù lao rất đẹp, nên có tiềm năng phát triển du lịch dịch vụ. TP nên tập trung chỉnh trang đô thị tập trung hai bên sông và khu cũ để đảm bảo sự kết nối hài hòa kiến trúc trong tương lai. Đô thị nên có quy chế quản lý hành chính thông suốt tạo động lực phát triển đô thị.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh, trong 3/49 chỉ tiêu chưa đạt của nâng loại đô thị là mật độ đường, số nhà tang lễ và mật độ đường cống thoát nước chính trong khu vực nội thành thì UBND tỉnh đang tập trung giải quyết. Hiện đang đầu tư xây dựng 2 nhà tang lễ; thời gian tới mở tiếp 1 số tuyến đường để đảm bảo giao thông trong đô thị; hệ thống thoát đang được xây dựng, trước mắt TP Biên Hòa tập trung nạo vét kênh mương; quy hoạch cốt nền cũng đang được triển khai mạnh để tránh ngập lụt. Ngoài nguồn vốn ngân sách, TP đã có chính sách kêu gọi DN đầu tư xây dựng hạ tầng cũng như các vấn đề môi trường.

Theo Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh, để giúp Biên Hòa phát triển mạnh hơn, bền vững hơn trong thời gian tới, trong Chương trình phát triển đô thị, TP Biên Hòa cần kiểm soát chặt về quỹ đất phát triển đô thị bởi quỹ đất xây dựng phát triển đô thị của TP Biên Hòa là rất ít. “Cần quan tâm đặc biệt về môi trường và xử lý nước thải như xây dựng dự án di chuyển KCN Biên Hòa 1. Trong những năm qua, quản lý kiến trúc hai bên sông Đồng Nai kiểm soát tốt nhưng các khu cũ còn nhiều tồn tại về quản lý kiến trúc cảnh quan, TP cần quan tâm chỉnh trang đô thị cũ”, Thứ trưởng Linh nhấn mạnh.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng