Top

Thận trọng khi tăng giá nhà, đất

Cập nhật 16/06/2015 09:42

Lượng giao dịch tăng, thanh khoản tốt, đặc biệt là thời điểm Luật Kinh doanh BĐS chính thức có hiệu lực (1/7/2015) ngày một gần, đang là cơ hội để nhiều DN "tát nước theo mưa"... tăng giá BĐS.

Khách hàng tham quan dự án Him Lam Chợ Lớn của chủ đầu tư Him Lam.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, trước khi tăng giá, các DN hãy thận trọng, nghĩ tới sự bền vững của thị trường.

Tăng giá là phù hợp?

Việc tăng giá cần tính toán hết sức thận trọng, chứ không phải cứ "thích thì tăng", vì lợi nhuận mà tăng. Ngược lại, DN cần tập trung vào các kế hoạch bán hàng, tiếp thị dài hạn để vừa ổn định giá bán, vừa bán được nhiều hàng hơn.

Ông Nguyễn Trần Nam Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng
 

Sau nhiều năm dành dụm được 1 tỷ đồng, anh Trần Văn Thắng (31 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) quyết định tìm mua một căn chung cư tại quận 2 để ở. Anh Thắng cho biết, tại thời điểm cuối năm 2014, một căn hộ rộng 68m2 (2 phòng ngủ) thuộc dự án V tại quận 2 được chào bán với giá 1 tỷ đồng. Nhưng vì một số lý do, anh phải gác lại chuyện mua nhà. 6 tháng sau, anh tìm tới dự án này để mua thì giá nhà đã tăng thêm 5%... với lý do dự án đang “hút” khách.

Tương tự, anh Nguyễn Xuân Thủy (mới từ Hà Nội chuyển vào làm việc tại TP Hồ Chí Minh) muốn mua một căn nhà tại quận 7 để tiện cho việc đi lại. “3 tháng trước khi có quyết định chuyển vào làm việc trong này tôi đã dành thời gian tìm hiểu khá kỹ giá nhà tại khu vực quận 7. Khi đó giá chào bán một căn hộ tại đường Nguyễn Thị Thập khoảng 1,8 tỷ đồng, nhưng nay chủ dự án đã tăng giá thêm 3%. Chỉ 3 tháng mà tăng tới 3% thì không thể chấp nhận được...” - anh Thủy cho biết.

Lý giải hiện tượng nêu trên, ông Ngô Quang Phúc - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Địa ốc Him Lam cho rằng: "Cũng một dự án mà 6 tháng trước có giá 20 triệu đồng/m2, nhưng 6 tháng sau giá cao hơn một chút đó là điều có thể chấp nhận, bởi trong 6 tháng đó chủ đầu tư phải chịu lãi ngân hàng với mức lãi suất từ 1 - 2% chi phí vốn, vì vậy người mua sau buộc phải san sẻ với chủ đầu tư khoản lãi vay này".

Giám đốc một công ty xây dựng đang có dự án tại quận 7 cũng cho rằng, không nên nhìn vào hiện tượng tăng giá theo hướng tiêu cực. “Kinh doanh thực ra cũng có từng thời điểm. Khi thị trường xấu thì hạ giá xuống, khi thị trường tốt thì tăng giá để bù lại, đó là việc bình thường” - vị Giám đốc này nói.

Phải giữ lòng tin của khách hàng

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Trần Nam - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng tại Hội chợ BĐS 2015 diễn ra mới đây tại TP Hồ Chí Minh. Theo ông Nguyễn Trần Nam, nếu muốn thị trường BĐS phát triển ổn định, bền vững cần hết sức thận trọng trước việc tăng giá bán sản phẩm. Trong đó, điều quan trọng nhất là không được đánh mất lòng tin của khách hàng.

Ông Nguyễn Trần Nam cho biết, trong quý I/2015 số giao dịch BĐS trong nước đã tăng 2 - 3 lần so với cùng kỳ năm 2014. Đặc biệt trong tháng 5, tại thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có khoảng 1.600 giao dịch nhà, đất thành công. Tuy nhiên, khi hàng bán chạy, nhiều chủ đầu tư và sàn giao dịch đã tăng giá bán lên từ 1 - 3%, thậm chí tăng 5 - 10% ở những dự án có vị trí đẹp.

Cùng quan điểm trên, ông Ngô Quang Phúc - Phó Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Him Lam cho rằng, các DN cần hết sức tránh tâm lý "tăng giá để gỡ gạc lại" khi thị trường có dấu hiệu ấm lên. Theo ông Phúc, như vậy là lạm dụng niềm tin của người tiêu dùng và từ đó người mua sẽ bị ảnh hưởng tâm lý rất lớn. "Thực ra thị trường mới chỉ hồi phục chứ chưa thật sự phát triển ổn định. Vì vậy, việc tăng giá bán sản phẩm cần tính toán theo lộ trình hợp lý để khách hàng an tâm chọn sản phẩm của mình. Nói cách khác, trước khi quyết định tăng giá bán sản phẩm, DN hãy nghĩ tới khách hàng của mình” - ông Phúc nói.


DiaOcOnline.vn - Theo KTĐT