Làm thế nào để đẩy nhanh tốc độ giải ngân các dự án có quy mô lớn trong tình hình hiện nay? Góc nhìn từ các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý, doanh nhiệp... cho thấy vấn đề không quá khó nếu tháo nhanh những nút “thắt cổ chai”.
* Ông Trần Xuân Giá (nguyên bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư):
Quá nhiều “siêu” dự án không thực tiễn
Thời kỳ có bao nhiêu dự án nhận bấy nhiêu qua rồi. Chúng ta chưa lưu tâm đúng mức và giám sát kỹ vấn đề môi trường. Kể cả tôi, với tư cách là bộ trưởng thời đó, cũng phải rút kinh nghiệm.
Vừa qua tôi thấy có quá nhiều “siêu” dự án không thực tiễn mà nhiều nhà khoa học, chuyên gia từng cảnh báo khó có khả năng họ đưa vào VN chừng ấy vốn. Đó là ở điều kiện bình thường, chưa kể tình hình khủng hoảng như hiện nay. Vì thế chúng ta phải lựa chọn từng dự án dựa trên tiêu chí hiệu quả kinh tế và xem xét kỹ nguy cơ tác hại môi trường. Có thể nói những dự án đầu tư nước ngoài không hiệu quả vừa qua cũng góp phần gây ra lạm phát.
* Bà Lê Kim Hương (giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu):
Ứng vốn để đẩy nhanh tiến độ
Hiện đang có trên 550 dự án đầu tư nước ngoài và trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 30 tỉ USD (trong nước khoảng 10 tỉ USD). Tỉnh đã chủ động có nhiều giải pháp tạo nguồn vốn như: cân đối từ nguồn vốn ngân sách tỉnh hằng năm để đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án, vận động doanh nghiệp ứng trước tiền thuê đất một lần trong 50 năm để bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư... Nhưng nguồn vốn của địa phương là có hạn nên kiến nghị trung ương hỗ trợ vốn đầu tư, vốn trái phiếu Chính phủ hoặc có cơ chế cho tỉnh vay hay ứng vốn để đẩy nhanh tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng, sớm giao mặt bằng cho nhà đầu tư triển khai xây dựng.
* Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh (giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright):
Cần thay đổi tư duy về thu hút đầu tư
Thời gian qua, khi quá chú trọng đến những dự án đầu tư có số vốn lớn (thường là những dự án chiếm nhiều đất), chúng ta bỏ quên hai yếu tố hết sức quan trọng là tính khả thi và hiệu quả của đầu tư. Quy mô hoành tráng của một dự án không đảm bảo nó sẽ được thực hiện và có hiệu quả. Kinh nghiệm thời gian qua cho thấy rằng khi khủng hoảng xảy ra chính những dự án lớn này sẽ bị cắt giảm hoặc giãn tiến độ đầu tiên.
Với một số dự án, khi tính đủ chi phí môi trường thì sẽ lỗ ở nơi khác nhưng lại có thể có lãi ở VN vì chi phí môi trường ở nước ta quá rẻ. Chính vì thế những dự án thâm dụng đất, tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường dễ vào VN hơn. Do đó Chính phủ cần kiên quyết từ chối những dự án gây ô nhiễm môi trường, vì tuy những dự án này có thể đem lại thành tích và lợi ích kinh tế trước mắt nhưng cái giá mà nền kinh tế và các thế hệ tương lai phải trả còn lớn hơn nhiều. Đây là trách nhiệm với đất nước và với con cháu chúng ta.
Để có thể thu hút FDI trong thời kỳ khủng hoảng, khi nguồn vốn khan hiếm và mức độ cạnh tranh thu hút đầu tư gay gắt hơn, chúng ta càng cần phải hiểu rõ những nhân tố cơ bản quyết định địa điểm đầu tư của các nhà đầu tư quốc tế. Theo điều tra của KPMG năm ngoái, nhân tố quan trọng nhất là khả năng tiếp cận khách hàng mới, tiếp theo là ổn định chính trị, luật pháp công minh, cơ sở hạ tầng, môi trường kinh doanh và chất lượng lao động...
Với hai nhân tố đầu, VN thường được đánh giá cao. Nhưng về hiệu lực của luật pháp, môi trường kinh doanh, kỹ năng lao động, cơ sở hạ tầng thì mặc dù chúng ta có cải thiện nhưng vẫn thua xa các nước xung quanh. Điều cần suy ngẫm là trong khi chúng ta nói nhiều về yếu tố được coi là thế mạnh của VN là lao động rẻ thì nhà đầu tư lại xếp vào hàng cuối cùng.
Nói một cách ngắn gọn, chúng ta cần thay đổi một cách cơ bản tư duy về FDI, trong đó chú trọng tính khả thi, hiệu quả, bền vững thay vì chạy theo thành tích trước mắt. Về mặt chính sách, Chính phủ cần khẩn trương giải quyết những nút “thắt cổ chai” trong nền kinh tế đã được nói đi nói lại nhiều lần về thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, không chỉ để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài mà cơ bản hơn giúp khai thông nguồn lực phát triển của nền kinh tế.
* Tiến sĩ Hồ Ngọc Minh (phó ban quản lý Khu đô thị Tây Bắc TP.HCM):
Không nên giao một nhà đầu tư nhiều dự án
Để đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tôi cho rằng cơ quan quản lý nhà nước cần phải cân nhắc hết sức kỹ càng việc cho một nhà đầu tư cùng lúc thực hiện nhiều dự án trên nhiều tỉnh thành khác nhau. Bởi chắc chắn rằng càng có nhiều hơn một dự án, nhà đầu tư càng ít quan tâm tới nó. Chưa kể trong lúc khó khăn này rất khó cho nhà đầu tư điều chuyển vốn từ dự án này sang dự án khác, trừ những nhà đầu tư tầm cỡ, có thương hiệu và ít nhất đã triển khai 1-2 dự án thành công mới nên xem xét cấp nhiều dự án, nhưng cũng không nên quá nhiều.
Về phía Sở Kế hoạch - đầu tư, khi xem xét, thẩm định năng lực nhà đầu tư cần tham khảo ý kiến cũng như nhờ thương vụ VN ở các nước và cơ quan sứ quán các nước tại VN giúp thẩm định, bởi lý lịch nhà đầu tư càng rõ ràng, chúng ta càng hiểu họ và dễ xử lý trong nhiều tình huống.
Về quy định triển khai dự án trong vòng 12 tháng, tôi nghĩ cần điều chỉnh lại. Thứ nhất, cần quy chuẩn hóa trường hợp nào là “đang triển khai”. Nhà đầu tư chỉ cần chặt cái cây, rào cái hàng rào, ủi một khoảnh đất... thì có coi là đang triển khai hay không? Thứ hai, không nên cào bằng giữa dự án vài tỉ USD với dự án vài chục hoặc vài trăm ngàn USD. Dự án lớn thì nên cho thời gian rộng hơn, chẳng hạn 24 tháng, còn dự án nhỏ thì nên giữ 12 tháng.
* Ông Phan Hữu Thắng (cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch - đầu tư):
Phải tạo thuận lợi để nhà đầu tư giải ngân
Thực tế khảo sát tại một số tỉnh, thành phố thời gian qua của Cục Đầu tư nước ngoài, chúng tôi đã đề nghị chính quyền địa phương phân dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc thành ba loại. Theo đó, đối với dự án vướng mắc ở tầm trung ương sẽ kiến nghị trung ương xem xét xử lý; những vướng mắc của địa phương thì địa phương phải tập trung xử lý dứt điểm theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư có thể sớm giải ngân được vốn đầu tư, đặc biệt là đối với những dự án mà nhà đầu tư đang có vốn sẵn sàng triển khai thực hiện nhưng đang vướng mắc về thủ tục đầu tư.
Đối với những dự án vướng mắc từ phía nhà đầu tư thì các cơ quan cần phải tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư giúp họ sớm khắc phục khó khăn để sớm triển khai dự án, bảo đảm dự án được triển khai đúng tiến độ.