Rất ít sàn bất động sản tuân thủ đúng quy định. Ảnh: Đ.T |
Từ nay đến cuối năm, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản trên cả nước.
Ông Phạm Gia Yên, Chánh thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Thanh tra Bộ đã tập trung thanh tra, kiểm tra 62 sàn bất động sản tại Hà Nội và 66 sàn bất động sản tại TP.HCM.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện rất nhiều sai phạm, như việc thành lập và hoạt động của sàn giao dịch bất động sản không đúng quy định; không đủ nhân viên có chứng chỉ hành nghề môi giới, định giá; chủ đầu tư bán bất động sản không thông qua sàn; khai khống vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án; bán bất động sản không đủ điều kiện, không đúng trình tự thủ tục; huy động vốn vượt quá 70% khi chưa xong phần móng; bán bất động sản không thông qua sàn, nhưng vẫn xác nhận hoặc không xác nhận bất động sản đã thông qua sàn…
Thanh tra Bộ đã ra 20 quyết định xử phạt với tổng số tiền phạt là 1,62 tỷ đồng. Kết quả này chỉ là “phần nổi” của tảng băng chìm, bởi việc làm ăn chộp giật, ép khách vay nợ trả lãi cao đang diễn ra rất phổ biến tại các sàn giao dịch bất động sản. Thậm chí, không ít sàn còn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
Đầu tháng 7/2011, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội đã bắt khẩn cấp, tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Hữu Trọng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại quốc tế Galaxy BSG Việt Nam. Tại sàn bất động sản của mình, Trọng đã dùng giấy tờ giả mạo để “vẽ” dự án không có thật mang tên “Dự án nhà ở dân cư chất lượng cao Galatic BSG”, tại ô đất C12-1, Khu đô thị Nam Trung Yên, rồi đem bán cho khách hàng. Nhiều nạn nhân bị lừa, với số tiền lên đến hàg chục tỷ đồng.
Trước đó, vào đầu tháng 6/2011, Trương Chiến Bình, Tổng giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Công ty Đầu tư Phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) đã bị bắt giam để điều tra về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản, sau khi cơ quan công an bắt quả tang Nguyễn Trần Linh (Phó tổng giám đốc, kiêm Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Đầu tư và Quản lý bất động sản UDIC), Đặng Quang Huy (nhân viên Sàn giao dịch) và Nguyễn Thị Nhàn (thủ quỹ của UDIC) nhận số tiền chênh lệch lớn trong vụ mua bán căn hộ do UDIC làm chủ đầu tư.
Đây là vụ án tham nhũng đầu tiên trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản được phát hiện tại Hà Nội. Mở rộng điều tra, cơ quan công an bước đầu xác định, tại sàn giao dịch bất động sản UDIC đã tiến hành giao dịch thành công 7/12 căn hộ liền kề thấp tầng tại Dự án khu K thuộc Khu nhà Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội), thu về số tiền “vênh” gần 30 tỷ đồng.
Nhiều ý kiến cho rằng, chế tài xử phạt vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản hiện nay còn quá nhẹ. Trong đợt kiểm tra này, Thanh tra Bộ Xây dựng mới chỉ ban hành các quyết định xử phạt với mức phạt thấp nhất là 50 triệu đồng, cao nhất là 210 triệu đồng. Chế tài xử phạt này chưa đủ sức răn đe đối với các sàn bất động sản và chưa tương xứng với khoản lợi bất chính mà các sàn thu được từ việc sai phạm.
Còn theo ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, mục đích của hoạt động thanh tra, kiểm tra vừa rồi là kịp thời phát hiện các vi phạm pháp luật để chấn chỉnh, ngăn chặn, riêng với các vi phạm nghiêm trọng thì xử phạt theo quy định pháp luật.
Nhằm tăng cường công tác nắm bắt tình hình thị trường, điều tiết giá cả bất động sản, trong thời gian tới, các cơ quan trung ương và địa phương sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra để nâng cao hơn nữa vai trò quản lý nhà nước đối với thị trường bất động sản, ngăn chặn hiện tượng đầu cơ làm giá, góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển minh bạch và bền vững.
Theo ông Phạm Gia Yên, từ nay đến cuối năm, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất và thường xuyên tại những điểm nóng, nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu không minh bạch sẽ chuyển cho cơ quan điều tra, chứ không dừng lại ở việc nhắc nhở, chấn chỉnh bằng biện pháp xử phạt hành chính như đợt vừa qua.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư