Trước những khó khăn chưa có hồi kết của thị trường, mục tiêu của một số doanh nghiệp bất động sản chỉ là duy trì hoạt động, chưa dám tính đến chuyện phát triển.
Tìm mọi cách tiết giảm chi phí
Như thường lệ, vào mùng 10 tháng Giêng hàng năm, Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc S.H - chủ đầu tư hàng loạt dự án chung cư, nhà phố ở TP.HCM, Long An, Đồng Nai thường tổ chức khai trương và triển khai kế hoạch cho cả năm.
Nhưng năm nay thì khác, lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, việc khai trương chỉ để lấy ngày, bởi thực tế mọi hoạt động của doanh nghiệp đã dừng lại từ cuối năm ngoái.
Giám đốc Công ty Đầu tư địa ốc S.H tâm sự, ông thấy mình còn may mắn hơn nhiều doanh nghiệp khác khi đã bán được một số dự án, huy động được lượng tiền lớn trong thời gian ngắn để mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn.
Tất nhiên, điều này đã khiến Công ty không còn nguồn lực để nghĩ tới đầu tư, phát triển. Do đó, mục tiêu trước mắt của doanh nghiệp là tìm mọi cách để tồn tại, tiết giảm chi phí hết mức có thể.
Theo lãnh đạo Công ty Đầu tư địa ốc S.H, nhiều ngân hàng rất thận trọng, đưa ra các điều kiện vay vốn khắt khe như yêu cầu dự án phải có đầy đủ pháp lý từ quyết định chủ trương đầu tư, giấy phép xây dựng… thì mới xem xét. Do đó, mục tiêu của Công ty trong năm nay là tìm mọi cách để duy trì hoạt động, chưa dám nghĩ đến chuyện tăng trưởng hay mở rộng đầu tư.
“Năm ngoái chúng tôi đã cắt giảm hơn 50% nhân sự. Những người ở lại, từ lãnh đạo đến nhân viên cũng phải cắt giảm lương”, vị này nói và cho rằng, nếu năm nay không có đột phá, không có tháo gỡ về cơ chế, chính sách, tín dụng, thì doanh nghiệp điêu đứng hết. Cái mà doanh nghiệp cần nhất hiện nay là tín dụng ngân hàng.
Các nhà phát triển bất động sản đã chật vật, thì với những doanh nghiệp môi giới - đơn vị phụ thuộc nhiều vào hoạt động của các chủ đầu tư cũng khó khăn không kém. Lãnh đạo một công ty môi giới có trụ ở tại quận Bình Thạnh cho biết, mỗi tháng ông phải gồng lỗ hơn 1 tỷ đồng để trả lương và các chi phí khác của công ty.
“Hồi tháng 12, công ty còn cố gắng duy trì tiền thuê văn phòng 50 triệu đồng mỗi tháng, nhưng giờ khó khăn quá, nhân viên cũng đã cho nghỉ nên chúng tôi chỉ giữ lại tầng trệt với chi phí thuê 20 triệu đồng mỗi tháng”, vị này nói.
Báo cáo mới đây của Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (FERI) đã đưa ra số liệu “giật mình”, khi chỉ trong vòng 10 tháng của năm ngoái, có 2.300 doanh nghiệp môi giới bất động sản tạm dừng kinh doanh, tăng gần 53% so với cùng kỳ.
Với những doanh nghiệp còn hoạt động cũng rơi vào tình trạng nghẽn dòng tiền, phải thực hiện cắt giảm nhân sự. Đơn cử, Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh, chỉ trong vòng 3 tháng cuối năm 2022, số lượng nhân viên của công ty đã giảm hơn 3.000 người. Trong khi trước đó, mỗi năm doanh nghiệp này luôn tuyển thêm lượng lớn nhân viên.
Nguồn vốn là yếu tố sống còn
Đã có nhiều cuộc họp cũng như chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, song bắt đầu từ đâu và tháo gỡ thế nào vẫn là vấn đề được các thành viên trên thị trường quan tâm.
Theo chia sẻ của doanh nghiệp, hiện có hai vướng mắc ảnh hưởng đến toàn thị trường là pháp lý và nguồn vốn. Trong đó, nguồn vốn là yếu tố sống còn của hầu hết doanh nghiệp, nhưng hiện nay bị tắc nghẽn.
Nới room, giảm lãi suất cho vay, hay cơ cấu nợ vốn đã được các doanh nghiệp đề xuất rất nhiều, đỉnh điểm là tại cuộc họp với giữa Ngân hàng Nhà nước với đại diện một số doanh nghiệp bất động sản lớn được tổ chức vào giữa tuần qua.
Tại cuộc họp này, có 17 kiến nghị được các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đưa ra, tập trung vào các vấn đề như: cơ cấu nợ, giãn nợ, giảm lãi vay, giảm hệ số rủi ro với bất động sản, tăng tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản đảm bảo khoản vay, hỗ trợ doanh nghiệp khả năng trả nợ trái chủ…
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc S.H bức xúc, lãi suất cho vay bất động sản cao hơn cho vay đối với ngành nghề khác, trong khi điều kiện thị trường bất động sản hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Việc hạ lãi suất là một trong những yếu tố quan trọng sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản, nhất là với các phân khúc nhà ở vừa túi tiền phục vụ nhu cầu ở thực.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, vướng mắc pháp lý chiếm 70% khó khăn của các dự án, mà nguyên nhân chủ yếu là do một số quy định pháp luật không đồng bộ, thống nhất. Nếu không được tháo gỡ kịp thời, có thể đẩy doanh nghiệp vào thế chân tường vì đã dồn gần như toàn bộ nguồn lực đầu tư nhưng dự án không thể triển khai.
Chưa hoàn thành pháp lý dự án thì doanh nghiệp không đủ điều kiện để được vay vốn ngân hàng. Ách tắc pháp lý rất nhiều khiến chính các ngân hàng thương mại quan ngại và đặt ra nhiều biện pháp phòng ngừa.
“Do đó, về lâu dài, Chính phủ vẫn phải tiếp tục giải quyết các vấn đề liên quan pháp lý. Trước mắt, để hỗ trợ cho thị trường bất động sản, cần nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn về nguồn vốn cho doanh nghiệp mà mấu chốt là sớm thông qua Dự thảo sửa đổi Nghị định 65/NĐ-CP về phát hành trái phiếu và nới room, hạ lãi suất cho vay ngân hàng”, lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc kiến nghị.
DiaOcOnline.vn – Theo Báo đầu tư