Sở hữu đất đai, thời hạn sử dụng đất, mức hạn điền... đều có ý kiến khác nhau.
Theo nguồn tin từ Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong việc sửa đổi Luật Đất đai lần này có một số nội dung lớn hiện đang còn nhiều ý kiến trái ngược. Chẳng hạn như: chế độ sở hữu đối với đất đai, hạn mức và thời hạn sử dụng đất, bảng giá đất, nhà đầu tư nước ngoài có được trực tiếp thỏa thuận với người dân khi bồi thường… “Bộ nêu ra những ý kiến khác nhau xung quanh những vấn đề trên và đang xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền” - nguồn tin cho biết.
Về sở hữu đất đai, có ý kiến đề nghị nên bỏ sở hữu toàn dân và thay bằng sở hữu tư nhân, sở hữu tập thể, sở hữu Nhà nước. Nhưng cũng có ý kiến đề nghị giữ nguyên sở hữu toàn dân về đất đai như hiện nay.
Thời hạn sử dụng đất nông nghiệp trồng cây hằng năm hiện nay là 20 năm. Có ý kiến cho rằng hết 20 năm thì phải chia lại đất này. Nhưng có ý kiến cho rằng nên gia hạn 50 năm.
Về hạn mức sử dụng đất, có ý kiến đề nghị để sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa với quy mô lớn thì người dân cần thêm ruộng đất. Tuy nhiên, nếu không giới hạn về hạn mức sử dụng đất thì một số người dân sẽ không còn đất sản xuất. Có sự mâu thuẫn giữa việc tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa nông nghiệp với giải quyết việc làm cho người nông dân.
Vì vậy, có ý kiến cho rằng nên xóa bỏ hạn điền hoặc mở rộng hạn điền. Nhưng có ý kiến cho rằng nên giữ nguyên như hiện nay.
Về khung giá đất, có ý kiến cho rằng nên bỏ khung giá đất của Chính phủ hoặc không xác định hằng năm như hiện nay, mà xác định khung giá đất 3-5 năm.
Hiện chỉ doanh nghiệp trong nước mới được trực tiếp thỏa thuận với người dân về việc bồi thường khi đất bị thu hồi, doanh nghiệp nước ngoài chưa được thực hiện quyền này. Trong khi ta vẫn nói tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài và trong nước bình đẳng trong làm ăn. Vậy trong thời gian tới có “mở” quyền này đối với doanh nghiệp nước ngoài hay không cũng là một vấn đề còn tranh luận và phải xin ý kiến.
Hiện các bộ và các địa phương đang tổng kết việc thi hành Luật Đất đai. Trong tháng 3 sẽ tổng hợp kết quả tổng kết việc thi hành Luật Đất đai trên cả nước. Nội dung này sẽ được báo cáo Chính phủ vào tháng 6.
Theo kế hoạch, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ trình Chính phủ vào cuối năm 2011, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp đầu năm 2012, thông qua tại kỳ họp cuối năm 2012.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP