Bốn đốt hầm dìm vẫn có thể sử dụng được nếu độ cứng bê tông đạt yêu cầu và việc kiểm tra độ bền xác định không ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình
Liên quan đến sự cố rạn, nứt 4 đốt hầm dìm Thủ Thiêm, một trong những hạng mục quan trọng nhất của dự án đại lộ Đông Tây, TPHCM hiện đang được các cơ quan chức năng tích cực làm rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, vấn đề hiện đang được dư luận quan tâm là 4 đốt hầm sẽ được xử lý ra sao, sửa chữa hay phải làm mới?
Cần xác định lại chất lượng bê tông
Theo báo cáo của Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước lên Thủ tướng Chính phủ, sự cố rạn, nứt đã xuất hiện đều trên 4 đốt hầm dìm Thủ Thiêm. Các chuyên gia xây dựng nhận định việc này không thể xuất phát từ nguyên nhân địa chất ở khu vực quá yếu mà có thể do trong quá trình đúc hầm đã làm không đúng kỹ thuật hoặc có thể việc lựa chọn công nghệ đúc hầm không phù hợp trong điều kiện thi công tại VN. Đây là nhận định khá mới so với nguyên nhân sự cố do nhà thầu Obayashi (Nhật Bản) đưa ra trước đó là “do co ngót bê tông trong quá trình đóng rắn...”, hay nguyên nhân do phía tư vấn dự án là Công ty Tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI) đưa ra do xi măng loại nhiệt thủy hóa thấp của Holcim có đặc tính dễ trương nở khi nắng gắt, kỹ năng tay nghề của công nhân và độ đầm chặt chưa đạt yêu cầu.
Theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Hải, nguyên phó ban phụ trách Ban Quản lý Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, điều quan trọng hiện nay là phải tìm cho được nguyên nhân của tình trạng rạn, nứt, khi đó mới có thể đưa ra giải pháp xử lý thích hợp. Nếu nguyên nhân do thiết kế và chọn nguyên vật liệu không đúng thì không nên sử dụng mà cần làm lại cái mới. Còn nếu do quá trình thi công sai thì cần kiểm tra chất lượng và độ bền bê tông của toàn bộ các đốt hầm nhằm xác định lại độ bền, độ va đập, độ cứng, sức tải trọng, độ thấm nước... để xem khả năng có sử dụng được tiếp không.
Ông Hải cho rằng 4 đốt hầm dìm vẫn có thể sử dụng được nếu độ cứng bê tông đạt yêu cầu và việc kiểm tra độ bền xác định không ảnh hưởng đến tuổi thọ trong quá trình sử dụng. Còn nếu nguyên nhân của sự cố là do đứt ngót cơ học và vượt qua các cuộc kiểm tra “sức khỏe” thì lúc đó việc sửa chữa sẽ được tính đến. Cách tốt nhất là dùng sơn Epoxy – composit biến tính vì sử dụng được trên bề mặt bê tông khô ráo hoặc ẩm ướt, có độ dẻo cần thiết và đặc biệt độ cứng đạt đến 853 kg/cm3 (tương đương độ cứng bê tông dành cho nhà máy điện nguyên tử).
Đo độ rộng vết nứt trên thân hầm dìm Thủ Thiêm.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Liên:
Bộ đang đốc thúc chủ đầu tư đưa ra giải pháp!
Chiều 8-9, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Liên cho biết sau khi có báo cáo của Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng đối với dự án đại lộ Đông Tây, Bộ Xây dựng đã yêu cầu chủ đầu tư mời tư vấn độc lập đến đánh giá, đồng thời đưa ra giải pháp khắc phục. Bộ Xây dựng đang đốc thúc chủ đầu tư đẩy nhanh việc chọn đơn vị tư vấn để khắc phục sự cố, không thể chần chừ như hiện nay.
Trả lời câu hỏi về sự cố rạn, nứt đốt hầm và sụt lún hầm hở chữ U có ảnh hưởng đến chất lượng công trình khi đưa vào sử dụng, ông Liên nói: “Bộ cũng nắm được tình hình nhưng để khách quan, chủ đầu tư cần có tư vấn độc lập xác định rõ tình trạng và đưa ra các biện pháp xử lý sự cố, khi đó Bộ Xây dựng sẽ có ý kiến”.
Hầm hở chữ U vẫn chưa tắt lún
Theo báo cáo của Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước gửi Thủ tướng vào đầu tháng 9, trên 4 đốt hầm dìm đã xuất hiện nhiều vết nứt tường biên, tường trong, bản đỉnh và bản đáy. Có một số vết nứt đã bị nước thấm qua. Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đã yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị thi công phân loại vết nứt, kiểm tra, đánh giá ảnh hưởng của các vết nứt đến khả năng chịu lực, khả năng chống thấm và tuổi thọ của hầm dìm.
Tại hầm hở chữ U ở phía quận 2, hiện vẫn đang lún quá mức cho phép và chưa có dấu hiệu tắt lún. Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước yêu cầu đơn vị tư vấn phải thiết kế lại và sử dụng các biện pháp gia tải và giải pháp móng cọc hợp lý để xử lý.
Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước sẽ báo cáo Thủ tướng chi tiết hơn về tình hình chất lượng và công tác quản lý chất lượng công trình này.
Theo Người Lao Động