Top

Sóng cơ cấu dự án

Cập nhật 25/02/2015 09:05

Phải nhìn thấy rõ sự ra đời của những quy định luật mới ban hành sửa đổi cũng giúp cho thị trường chuyển động tích cực hơn, tạo lối thoát cho chủ đầu tư tiếp tục triển khai dự án để không bị chôn vốn, mất vốn và tiếp tục bám trụ thị trường.

Quy mô vốn nghìn tỷ đồng với hơn 1.600 căn hộ dường như đã tạo khó khăn nhất định cho khu chung cư cao cấp Kenten Residences (huyện Nhà Bè), do Công ty Tài Nguyên làm chủ đầu tư. Thời điểm thị trường BĐS đóng băng, dù đã được xây dựng xong phần thô, dự án vẫn phải “đắp chiếu” một thời gian.


Nhiều dự án đã thay đổi mục đích công năng để bám trụ thị trường

Nhưng mới đây, theo một nguồn tin từ Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA), chủ đầu tư của dự án này đang tìm cách xoay xở, tái khởi động dự án khi có những động thái xin chuyển đổi công năng từ căn hộ chung cư để bán sang khu thương mại phức hợp, đi kèm với căn hộ cho thuê nhắm đến đối tượng là các chuyên gia, khách du lịch nước ngoài.

Tương tự, nhiều dự án với tổng vốn đầu tư lớn, được khởi công vào thời điểm thị trường thăng hoa sau đó lao dốc nhanh chóng, nên các chủ đầu tư không kịp trở tay. Điều này khiến nhiều dự án lâm vào cảnh bất động, phơi nắng phơi sương. Một số chủ đầu tư tìm cách đẩy hàng, mua bán, chuyển nhượng dự án nhằm cắt lỗ và rút lui khỏi thị trường.

Tuy nhiên, đối với những chủ đầu tư còn đang tìm cách cầm cự, bám trụ thì chuyển đổi công năng để dự án phù hợp và theo kịp với nhu cầu thị trường cũng là một trong những phương án khả thi.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, trong năm qua đã có 11 dự án xin chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội (số lượng gần 5.000 căn) tổng vốn đầu tư 7.644 tỷ đồng. Ngoài ra còn có 24 dự án điều chỉnh từ diện tích căn hộ lớn sang nhỏ cho phù hợp với nhu cầu của người mua (tổng vốn đầu tư gần 25.000 tỷ đồng) và ít nhất 1 dự án đã được phê duyệt chuyển đổi công năng từ nhà ở thương mại sang công trình dịch vụ (bệnh viện)…

Theo ông Đỗ Phi Hùng, Phó giám đốc Sở Xây dựng, thành phố đã chấp thuận chủ trương cho phép chuyển đổi công năng, diện tích đối với 19 dự án trên địa bàn để giúp dự án đi đúng hướng, phù hợp với nhu cầu thực tiễn của thị trường, giúp chủ đầu tư tránh bị chôn vốn, người mua nhà hưởng lợi và quan trọng hơn nhằm tránh lãng phí nguồn lực cho xã hội khi hàng loạt dự án đình trệ, phơi nắng phơi sương nhiều năm.

Ghi nhận từ những dự án chuyển đổi công năng này đang được thị trường đón nhận tốt. Cụ thể như dự án khu tái định cư Thảo Điền, quận 2 do CTCP Đầu tư Thủ Thiêm làm chủ đầu tư; dự án Khu thương mại dân cư Hưng Điền do CTCP Đầu tư Tấn Hưng làm chủ đầu tư; dự án chung cư Hoàng Quân Plaza của CTCP Tư vấn Thương mại dịch vụ địa ốc Hoàng Quân; dự án khu chung cư kết hợp thương mại, văn phòng, khách sạn… thuộc dự án khu nhà ở Him Lam do CTCP Đầu tư Địa ốc Nova làm chủ đầu tư; dự án chung cư Khang Gia của CTCP Đầu tư và Phát triển địa ốc Khang Gia…

Theo chủ đầu tư của những dự án này, sau khi chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng, chia nhỏ căn hộ, DN cũng lên chiến lược bán hàng mới phù hợp hơn với mục tiêu, tình hình và kết quả đang có những chuyển biến khả quan.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho biết, thời gian qua khi thị trường xuống dốc, một số chủ đầu tư do thiếu vốn nên đã phải tạm ngừng thi công dự án. Ngoài ra, không ít chủ đầu tư đã buộc phải bán đi “con đẻ” của chính mình nhằm cắt lỗ. Đối với những chủ đầu tư còn bám trụ, do còn chút sức lực, đã kêu gọi được vốn đầu tư, liên kết, cũng như nhận thấy tình hình thị trường có dấu hiệu khởi sắc nên đã “thức thời” chuyển đổi công năng cho phù hợp hơn với nhu cầu thực tế.

Cụ thể như đối với phân khúc bình dân, nhà ở xã hội, nhà có quy mô diện tích nhỏ, giá tiền vừa phải không những có nguồn cầu lớn, dễ tìm khách mua, người sử dụng dịch vụ, mà còn phù hợp với chủ trương khuyến khích phát triển của Chính phủ, nên sẽ nhận được nguồn hỗ trợ tốt hơn về cơ chế chính sách, vốn đầu tư, lãi suất như gói 30.000 tỷ đồng của Chính phủ…

Theo ông Lê Hoàng Châu, việc tái khởi động dự án có tác động tích cực đối với không chỉ các DN BĐS nhằm gây dựng lại uy tín, hình ảnh, hoạt động kinh doanh, mà còn góp phần tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của toàn thị trường nói chung và nhiều lĩnh vực ngành nghề kinh tế có liên quan. Bên cạnh đó, phải nhìn thấy rõ sự ra đời của những quy định luật mới ban hành sửa đổi cũng giúp cho thị trường chuyển động tích cực hơn, tạo lối thoát cho chủ đầu tư tiếp tục triển khai dự án để không bị chôn vốn, mất vốn và tiếp tục bám trụ thị trường.

Ngoài ra, đối với các dự án chậm triển khai, đắp chiếu quá lâu bị thu hồi, UBND TP. Hồ Chí Minh nên xem xét, có hướng xử lý, hỗ trợ chủ đầu tư còn năng lực có cơ hội tái khởi động dự án theo quy định của pháp luật hiện hành để giúp cho DN vượt qua giai đoạn khó khăn, tránh lãng phí của cải xã hội và không gây thiệt hại cho nền kinh tế và tài sản hợp pháp của DN.


DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng