Giá nhà trọ tăng không phải là chuyện hôm nay mới nghe đến, nhưng tăng như cơm bữa và không có cái mức nào gọi là giá chung đã khiến cho người đi thuê trọ... chóng cả mặt.
Trong số những đối tượng phải đi thuê nhà trọ thì sinh viên (SV) chiếm số lượng lớn nhất. Một năm trở lại đây, người ở trọ buộc phải “quen” với cảnh giá thuê “đòi” leo thang. Tuy nhiên, theo khảo sát của Dân trí, khoảng 2 tháng nay (trước và sau Tết - PV), giá nhà trọ tăng như cơm bữa đã thực sự trở thành nỗi lo ngại trong việc “an cư” của SV.
“Sợ giá” nên phải chuyển nhà
Quận Cầu Giấy là địa bàn tập trung rất nhiều trường ĐH, CĐ lớn như: HV Báo chí và Tuyên truyền, ĐH Quốc gia, ĐH Sư Phạm I, ĐH Giao thông Vận tải… nên số lượng SV trọ học rất lớn. Tuy nhiên, từ cuối năm ngoái sang đầu năm nay, giá trọ ở khu này bắt đầu “chấp chới” tăng theo giá thị trường. Vẫn là phòng trọ đó nhưng giá thuê thì chủ nhà “quát giá” cao gấp đôi, thậm chí là gấp ba so với trước.
Giá thuê 500.000 đồng/phòng trọ ở phố Dương Quảng Hàm (quận Cầu Giấy) không phải đắt, nhưng ngay trong Tết mức giá “dễ chịu” này đã được thay bằng con số 700.000 đồng/phòng. Thực tế, phải bỏ thêm 200.000 đồng để thuê nhà, nhiều SV nghèo phải “ngáp ngắn, ngáp dài”.
Nhiều năm nay, khu tập thể Khâm Thiên (quận Đống Đa) có “tiếng” là giá thuê trọ phù hợp và ổn định nên SV của các trường Đại học chọn để trọ học rất nhiều. Một phòng rộng khoảng 30 - 40m2 (ở bao nhiêu người tuỳ thích - PV) có giá khởi điểm “chào thuê” từ 700.000 - 1.000.000 đồng.
Bạn Trần Hồng Tân (SV năm 3, trường ĐH Bách Khoa, Hà Nội) tâm sự: “Giá nhà trọ tăng như cơm bữa. Phòng của em đang ở từ 1 triệu đồng tăng lên 1,3 triệu đồng và có lẽ còn tăng thêm nữa. Bạn Nguyễn Đình Thảo, SV hệ dân sự của trường HV Kỹ thuật Quân sự thuê trọ ở bên cạnh phòng em, vì “bị” tăng giá phòng từ 700.000 đồng lên 1,5 triệu đồng nên bạn ấy “sợ quá” phải chuyển đi rồi”.
Không riêng trường hợp của bạn Thảo, đã có rất nhiều SV trở thành “nạn nhân” của tình trạng giá nhà trọ mỗi ngày một tăng.
Học tại trường Viện ĐH Mở (ở đường Nguyễn Hiền, quận Hai Bà Trưng) nhưng do giá nhà trọ tăng liên tục, không chịu được “nhiệt”, chàng SV nội thị Đỗ Quang Quý đã quyết định thực hiện chiến dịch “tản cư” ra ngoại đô để trọ học.
Từ trường đến nơi ở trọ mới là xã Minh Khai, huyện Từ Liêm ước chừng vài chục cây số, đây là một cự ly di chuyển khá ngoạn mục, nhưng: “…chấp nhận “đi sớm, về muộn” để mỗi tháng không phải mất thêm 300.000 đồng tiền thuê nhà” - bạn Quý bộc bạch.
“Phấp phới” dịch vụ tìm nhà trọ
Là đất cắm của nhiều trường ĐH, phố Cầu Giấy vốn là điểm trọ lý tưởng của SV. Sau Tết, khu dân cư này lại thêm “tấp nập” vì nhu cầu ở trọ tăng lên, còn “cò” dịch vụ tìm nhà thì được dịp “phất” lên như diều gặp gió. Sau khi dò hỏi dân “cò”, chúng tôi được biết khá đầy đủ về các mức giá nhà trọ “leo thang” theo xu thế.
Phòng trọ ở độc lập với nhà chủ rộng khoảng 20m2 có giá chưa “mặc cả” là 1,3 triệu đồng, vẫn diện tích đó nhưng có hệ thống khép kín dùng chung là 1,5 triệu đồng, rộng 30m2 có thêm gác xép và hệ thống nhà vệ sinh khép kín tại phòng có giá 1,8 triệu/ phòng (phòng hạng sang - PV), cũng có những phòng tầm 700.000 - 800.000 đồng, còn những loại phòng chỉ 500.000 đồng thì hiện không có tên trong “danh sách”…
Thông thường, sau khi xem phòng trọ, nếu đồng ý thuê thì người thuê thoả thuận giá với chủ nhà. Tất nhiên, giá mà nhà chủ đồng ý cho thuê phòng phải có “dư” để “bồi dưỡng” cho cò. Tuy nói là mức “chào giá” chưa mặc cả, nhưng để mặc cả được thì cũng mỏi mồm nhà chủ mới bớt cho trăm bạc.
Bà L (làm cò dịch vụ đã 3 năm) cho biết: “Ở trung tâm thành phố, thuận tiện đi lại nên đắt chứ sao, có giá chung rồi. Còn muốn ở phòng rẻ hơn thì phải ra mãi Cầu Diễn, Cổ Nhuế cơ”.
DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí