Tại Hội nghị triển khai công tác kiểm tra sắp xếp, đổi mới và quản lý sử dụng đất đai các nông, lâm trường (NLT) quốc doanh do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, ngày 16-4, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: sẽ phải siết chặt công tác quản lý sử dụng đất đai nhằm thúc đẩy hiệu quả sản xuất, kinh doanh ở các NLT quốc doanh, kiên quyết không để tình trạng người dân thiếu đất sản xuất.
Theo số liệu trong đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cả nước hiện có khoảng 700 NLT quốc doanh với tổng diện tích đất đai quản lý trước khi sắp xếp là trên 4.610.000 ha. Sau khi sắp xếp lại, diện tích đất đai các NLT dự kiến giao lại cho chính quyền địa phương quản lý là 757.338 ha (chiếm trên 16% tổng số đất các NLT đang quản lý). Tuy nhiên, hiện nay các địa phương mới bàn giao được 24.461 ha.
Trong số 52 tỉnh, thành phố có NLT, hầu hết các địa phương đã xây dựng xong đề án và được phê duyệt, nhưng tiến độ triển khai thực hiện đề án rất chậm, đặc biệt là việc bàn giao quyền sử dụng đất đai.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này như thiếu kinh phí, chưa giải quyết được đối với diện tích đất chưa sử dụng, đất cho mượn, đất bị lấn chiếm; phụ thuộc vào kết quả rà soát và phân loại rừng theo tiêu chí mới...
Mặt khác, đề án sắp xếp các NLT khó triển khai còn xuất phát từ việc báo cáo về hiện trạng sử dụng đất đai ở các NLT của nhiều địa phương chưa sát với thực tế, đặc biệt là đối với đất cho mượn, tạo ra sự thiếu công bằng, đặc quyền đặc lợi trong khi nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giới thiệu đất cho thuê để trồng rừng, làm nhà máy thì lại không tìm ra được.
"Vướng mắc nhất cần tháo gỡ hiện nay chính là vấn đề nhận thức khi người có đất tìm mọi cách để không giao đất. Chính vì vậy, các địa phương cần quán triệt thực hiện nghiêm túc theo tinh thần các Nghị định của Chính phủ, đồng thời chính quyền địa phương phải chủ động vào cuộc trong việc quyết định giao đất cho ai để có thể đạt hiệu quả tốt hơn. Các lâm trường chỉ nên giữ lại một phần diện tích nhất định, số còn lại giao cho dân quản lý không chỉ về đất mà cả về rừng", Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Ban Chỉ đạo sắp xếp, đổi mới và phát triển NLT quốc doanh Trung ương yêu cầu các NLT kiểm tra, rà soát lại tình hình hiện trạng sử dụng đất tại đơn vị mình để báo cáo với chính quyền địa phương. Trên cơ sở đó, các tỉnh kiểm tra lại khoảng 600 NLT để tổng hợp báo cáo lại với Ban Chỉ đạo.
Về phía Trung ương cũng sẽ thành lập 5 đoàn để kiểm tra ở mỗi tỉnh từ 1-2 NLT, xem xét, đánh giá đúng thực tế cũng như phối hợp với các địa phương tháo gỡ những khó khăn. Dự kiến đến cuối tháng 10-2008 sẽ có kết quả của cuộc tổng rà soát này.