Top

Sẽ xem xét trách nhiệm cán bộ trong việc buông lỏng quản lý đất công

Cập nhật 19/04/2008 11:00

Sáng 18.4, hàng loạt các vấn đề "nóng" của thủ đô đặt lên bàn nghị sự tại phiên chất vấn 3 phó chủ tịch UBND TP, nhưng phần trả lời đã không đáp ứng được mong mỏi của nhiều cử tri và đại biểu.

Các vấn đề nhà siêu mỏng, siêu méo; công tác quản lý trông giữ xe máy, xe đạp, ôtô; công tác thu hồi đất của các đơn vị vi phạm... mặc dù đã qua 2 phiên tái chất vấn vẫn còn bỏ ngỏ với các câu trả lời quanh co, không xác đáng.

Chính quyền "bó tay" về quản lý điểm trông giữ xe, nhà siêu mỏng?

Vấn đề quản lý, thu phí tại các điểm trông giữ ôtô, xe máy, xe đạp trên địa bàn Hà Nội được nhiều đại biểu chất vấn và tái chất vấn Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi. Một số đại biểu đã bức xúc trước việc TP buông lỏng quản lý tại các điểm trông giữ xe dẫn đến tình trạng thu phí tuỳ tiện. Đại biểu Vũ Mạnh Hải cho biết, các điểm trông giữ ôtô hiện thu mức từ 10.000-30.000 đồng. Mặc dù vậy, người dân vẫn phải "ngậm bồ hòn" vì có những tuyến phố ở Hà Nội, để có được chỗ đỗ xe là tốt lắm rồi, chưa cần phải quan tâm đến việc họ có trông giữ phương tiện hay không.

Đại biểu Nguyễn Văn Nam nêu thực trạng khá phức tạp, gây nhiều bức xúc trong nhân dân tại các điểm trông giữ xe như: Không niêm yết giá; không sử dụng vé do cơ quan có thẩm quyền ban hành; thu quá quy định, một số cơ quan công quyền vẫn thu phí... Ông Nam cho biết, những sai phạm kể trên đã tồn tại từ lâu. Vậy UBND TP có biết không? Bao giờ mới chấn chỉnh?

Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi cho biết, TP đã quyết định thành lập tổ thanh tra kết hợp với các quận, huyện kiểm tra trên địa bàn. Chưa thoả mãn với cách trả lời của ông Khôi, đại biểu Nguyễn Văn Nam tiếp tục tái chất vấn, đề nghị cho biết bao giờ mới khắc phục? Ông Khôi cho biết, TP đã biết việc đó, đã kiểm tra, đánh giá và sẽ xử lý vi phạm. TP sẽ có những giải pháp và tiến độ cụ thể trong năm 2008. Ông Khôi cũng cho biết, sau 6 tháng phân cấp quản lý hè phố cho các quận, phường, đã có 200 điểm trông giữ xe "mọc ra" ở quận Hoàn Kiếm. Nguyên nhân do lượng xe không ngừng tăng cao, quỹ đất ít, chưa có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư xây các bãi đỗ...

Vấn đề xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo mặc dù đã được tái chất vấn qua 2 kỳ họp nhưng đến nay vẫn dừng lại ở phần thống kê để phân loại xử lý. Dù đã có rất nhiều cuộc họp, rất nhiều biện pháp được UBND TP đưa ra để ngăn chặn nhưng sau khi những con đường mới mở được hoàn thành, hàng loạt nhà siêu mỏng, siêu méo mặc dù không có giấy phép xây dựng vẫn ung dung "mọc" lên bất chấp quy định. Trả lời vấn đề này, ông Khôi cho biết TP mới đang thực hiện phân loại, chủ yếu trong số này là không phép nhưng khi làm đường do quản lý không chặt nên phát sinh. TP phải nghiên cứu kỹ hồ sơ rồi mới có biện pháp xử lý.

Thiếu trách nhiệm trong việc thu hồi đất sai phạm

Theo báo cáo của UBND TP, từ năm 2001 đến nay, TP đã ban hành 64 quyết định thu hồi đất của những tổ chức, cá nhân sử dụng sai mục đích, bỏ hoang và đã thực hiện xong 47 quyết định với tổng diện tích là 4.834.816m2, còn 17 quyết định với 136.452,6m2 chưa thực hiện xong.

Việc chậm thực hiện 17 quyết định được ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND TP lý giải do việc bất hợp tác của các đơn vị bị thu hồi. Một số đơn vị khi có quyết định thu hồi đã khiếu nại, tố cáo. "Thực tế đây là cơ hội để các đơn vị trì hoãn thi hành quyết định", ông Khanh nhận định. Nguyên nhân nữa do chính trách nhiệm của chính quyền các cấp ngay từ khi lập hồ sơ thu hồi đất chưa chặt chẽ dẫn đến khi thực hiện thu hồi, đơn vị tổ chức kiến nghị phải xem xét lại...

Một số đại biểu đã bày tỏ ý kiến chưa thống nhất vì lãnh đạo TP vẫn trả lời chung chung. Đại biểu Phạm Xuân Hằng cho rằng: "Không thể lấy tiền ngân sách để thực hiện GPMB với các dự án trong diện bị thu hồi vì chủ các dự án này đã gây lãng phí khi để đất bỏ hoang". Ông Vũ Hồng Khanh giải thích, khi các tổ chức, cá nhân được giao đất đã thực hiện việc xây dựng một số hạng mục.

Vì vậy, khi tiến hành thu hồi đất thì phải có kinh phí để tiến hành GPMB để có đất "sạch" giao cho các cơ quan, tổ chức khác. UBND TP cũng tiếp thu góp ý của các đại biểu về việc chỉ rõ trách nhiệm của từng cấp trong quá trình quản lý đất công. Ông Khanh khẳng định trong thời gian tới sẽ xem xét về trách nhiệm cán bộ trong việc buông lỏng quản lý sử dụng đất công.

Tạm dừng 4 công trình

Ông Hoàng Mạnh Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, TP quyết định tạm dừng 4 công trình: Trụ sở Sở KHĐT; Cung văn hóa thể thao thanh niên Hà Nội; Trung tâm đào tạo công nghệ thông tin (giai đoạn II); Hệ thống thu gom và xử lý nước thải hồ Tây. Hà Nội cũng quyết định dãn tiến độ 7 dự án, sẽ cắt giảm vốn 102 dự án. Về công trình Bảo tàng Hà Nội, ông Hiển khẳng định, vốn cho dự án này chỉ trong phạm vi 1.000 tỷ đồng. Bảo tàng Hà Nội có ý nghĩa văn hóa, lịch sử hết sức quan trọng. Thủ đô đã chính thức đề nghị Thủ tướng không hoãn công trình này. Thủ tướng đã đồng tình tập trung hoàn thành công trình này vào dịp 1.000 năm Thăng Long.


Theo Lao Động