Một trong các nguyên nhân khiến thị trường bất động sản phát triển thiếu lành mạnh và không ổn định là do việc đầu tư xây dựng các dự án khu đô thị mới, dự án phát triển nhà ở hiện còn nhiều bất cập.
Chỉ với 150 dự án đô thị và nhà ở tại Hà Nội hiện nay đã có thể đáp ứng nơi ở cho khoảng 1- 1,3 triệu người.
|
Theo nhận định của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), trong thời gian qua, tình trạng phát triển đô thị và các khu nhà ở thiếu căn cứ vào nhu cầu của thị trường, chưa có quy hoạch, kế hoạch, tự phát, chậm tiến độ. Thực trạng này diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương, dẫn đến các đô thị phát triển không đồng bộ, thiếu kết nối hạ tầng, lãng phí tài nguyên đất đai và vốn đầu tư của xã hội.
Chỉ tính riêng tại Hà Nội, khi rà soát để lập đồ án quy hoạch chung Thủ đô, số lượng các đồ án, dự án đang triển khai hoặc đang trong giai đoạn quy hoạch là 785 đồ án, dự án với quy mô 59.078 ha. Sau khi rà soát, UBND thành phố đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ cho tiếp tục triển khai (đợt 1) là 240 đồ án, dự án với quy mô 9.502 ha, trong đó có 150 đồ án, dự án đô thị và nhà ở với quy mô 5.125,8 ha.
Theo tiêu chuẩn quy hoạch xây dựng hiện hành (khu vực đô thị từ 200 - 250 người/ha) thì chỉ với 150 đồ án, dự án đô thị và nhà ở nói trên đã có thể đáp ứng nơi ở cho khoảng 1- 1,3 triệu người (gần bằng 1/2 dân số đô thị của Hà Nội tại thời điểm tháng 4/2009 là 2,6 triệu người).
Thực tế cũng cho thấy các khu đô thị mới được triển khai khá mạnh mẽ song thị trường vẫn thiếu hàng hóa có quy mô vừa và nhỏ, có giá cả phù hợp với đa số nhu cầu của người dân. Tỷ trọng nhà ở chung cư chỉ chiếm 4% tổng số nhà ở đô thị của cả nước, Hà Nội là địa phương có tỷ lệ nhà chung cư cao nhất nhưng mới đạt tỷ lệ 16,64%.
Đặc biệt, thị trường thiếu loại hình nhà ở cho thuê, tỷ trọng hộ dân đi thuê, mượn tại khu vực đô thị mới đạt 14%, chủ yếu là do dân doanh. Việc huy động nguồn lực để triển khai các chương trình phát triển nhà ở xã hội phục vụ các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân lao động tại các khu công nghiệp còn hạn chế, vì vậy quỹ nhà ở xã hội có sự điều tiết của Nhà nước còn thiếu, gây khó khăn cho việc giải quyết nhà ở cho một bộ phận lớn dân cư đô thị.
Các chủ thể tham gia thị trường đông về số lượng nhưng còn yếu về năng lực đã ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản. Nhiều tổng công ty, tập đoàn lớn không chuyên về xây dựng, kinh doanh bất động sản cũng thành lập công ty kinh doanh bất động sản.
Nhiều ngân hàng có quỹ hoặc thành lập công ty con để kinh doanh bất động sản nên đã xuất hiện hiện tượng đầu tư nội bộ của các tập đoàn, của ngân hàng rất khó kiểm soát. Nhiều doanh nghệp, cá nhân không đủ khả năng tài chính, thiếu kinh nghiệm cũng tham gia đầu tư kinh doanh bất động sản nên đã xảy ra hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, đầu tư theo phong trào.
Bộ Xây dựng cho biết để khắc phục những khiếm khuyết của thị trường bất động sản cũng như những bất cập trong phát triển đô thị, thời gian tới, sẽ tổ chức rà soát, kiên quyết không cho phép triển khai các dự án không có trong quy hoạch, kế hoạch phát triển, không có khả năng kết nối hạ tầng và cung cấp dịch vụ đô thị.
Đồng thời kiểm soát chặt chẽ tiến độ cam kết của các chủ đầu tư với người mua nhà trong việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ và hoàn thiện nhà ở; kiểm tra việc dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội (quỹ đất 20%) trong các dự án phát triển nhà ở theo quy định của pháp luật.
Bộ cũng xác định đẩy mạnh phát triển thị trường nhà ở phi hàng hóa có sự tham gia, điều tiết của Nhà nước để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở. Nhất là 8 nhóm đối tượng đã nêu trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, mới được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, gồm: người có công với cách mạng; người nghèo ở khu vực nông thôn; người nghèo ở khu vực đô thị; công nhân lao động làm việc trong các khu công nghiệp tập trung và công nhân làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp tại khu vực đô thị; lực lượng vũ trang; cán bộ, công chức, viên chức, văn nghệ sỹ, trí thức; sinh viên tại các cơ sở đào tạo và nhóm đối tượng xã hội đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh đó sẽ thực hiện đa dạng hóa cơ cấu nhà ở trong các dự án phát triển nhà ở, theo hướng tăng tỷ lệ nhà chung cư cao tầng với quy mô diện tích căn hộ đa dạng, ưu tiên phát triển các căn hộ có quy mô vừa và nhỏ để đáp ứng nhu cầu của thị trường/ Có cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển mạnh nhà ở cho thuê kể cả nhà ở xã hội đầu tư từ ngân sách Nhà nước và nhà ở cho thuê do doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đầu tư phục vụ nhu cầu thuê nhà ở của người dân khu vực đô thị và công nhân tại các khu công nghiệp...
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy