Thị trường BĐS "đóng băng"đã một thời gian dài.Đến nay, quan hệ giữa người mua - những khách hàng đã ký hợp đồng mua hoặc "góp vốn"để mua căn hộ chung cư với chủ đầu tư đã bắt đầu có nhiều căng thẳng. Đã có nhiều vụ kiện của khách hàng với chủ đầu tư dự án.
Đơn cử, vụ khách hàng kiện Cty TNHH Đầu tư phát triển nhà Quốc Cường (thành viên của CTCP Quốc Cường Gia Lai) ra Tòa án nhân dân quận 3, TPHCM (vì lỗi giao nhà chậm tiến độ và không đúng thiết kế) và được xử thắng kiện gần 260 triệu đồng. Hay tháng 3 vừa qua, hàng chục khách hàng đã tụ tập, căng băngrôn tại dự án PeroVietnam Landmark tại khu vực ngã ba Cát Lái, An Phú, quận 2, TPHCM, yêu cầu chủ đầu tư dự án nhanh chóng hoàn thiện dự án để bàn giao căn hộ cho họ. Theo hợp đồng đã ký kết, chủ đầu tư phải bàn giao căn hộ vào cuối năm 2011. Nhưng khi đến hạn, tòa nhà vẫn chưa xây xong phần thô. Một số khách hàng cho biết nếu chủ đầu tư không thực hiện đúng hợp đồng, họ không còn cách nào khác là phải nhờ tòa án giải quyết.
Tại Hà Nội, sáng 23.7, đã có cuộc tranh cãi gay gắt giữa hầu hết khách hàng mua căn hộ chung cư BMM do liên danh CTCP Sông Đà 12 và Cty BMM là chủ đầu tư có địa điểm thuộc KĐT Xa La - Hà Đông - Hà Nội về việc khách hàng đã nộp đến 90% giá trị hợp đồng cho CTCP Sông Đà 12, nhưng đã hơn 1 năm, không biết số tiền đó đang đi đâu về đâu, hạn giao nhà đã trôi qua rất lâu, chủ đầu tư sau nhiều lần hứa hẹn vẫn không thực hiện và dự án chưa biết khi nào được bàn giao... Đó mới chỉ là vài ví dụ. Trong thực tế, số vụ tương tự như vậy không hiếm.
Khiếu kiện trong quan hệ kinh tế, dân sự là chuyện bình thường. Và, khi người ta đưa nhau ra toà để giải quyết tranh chấp tức là sự am hiểu pháp luật của khách hàng đã tăng lên. Song, rất cần chỉ ra những nguyên nhân của những vụ khiếu kiện trên thị trường BĐS hiện nay để cùng rút kinh nghiệm.
Trước hết, có một bộ phận khách hàng không thực hiện nghiêm túc cam kết nộp tiền theo hợp đồng làm cho chủ đầu tư gặp khó khăn về vốn để thực hiện dự án. Bộ phận khách hàng này sẽ không là nguyên đơn khiếu kiện và chỉ chờ đợi để "hưởng lộc" từ việc khiếu kiện của các khách hàng khác.
Thứ hai, phải thừa nhận rằng, trên thị trường bất động sản nước ta thời gian vừa qua, hội chứng "thấy thiên hạ ăn khoai, ai cũng vác mai đi đào" đã xảy ra khá phổ biến. Một số DN năng lực tài chính rất yếu, nhưng do có quan hệ cũng lập dự án kinh doanh nhà chung cư, văn phòng cho thuê. Vốn để thực hiện dự án chủ yếu là huy động từ khách hàng qua hình thức "góp vốn" và vay từ ngân hàng. Khi khách hàng không thực hiện đúng cam kết hoặc NH ngừng cho vay, dự án sẽ giẫm chân tại chỗ.
Thứ ba, không ít chủ đầu tư đã không sử dụng tiền của khách hàng vào việc thực hiện dự án đã cam kết mà sử dụng vào việc khác. Chính vì lý do này nên có trường hợp "khách hàng đã nộp tới 90% số tiền theo hợp đồng" nhưng căn nhà của họ "vẫn chỉ là trong mơ". Số tiền đã huy động đi đâu, về đâu? Điều đó chỉ có chủ đầu tư mới biết. Không cổ vũ cho việc hình sự hoá các quan hệ kinh tế, song với trường hợp chủ đầu tư đã thu tới 90% tiền của khách hàng mà không triển khai dự án theo cam kết, có lẽ cần điều tra và khởi tố với tội danh "lừa đảo" hoặc "lợi dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản của tổ chức, công dân".
Các chủ đầu tư rất cần có những biện pháp tích cực để hạn chế việc kiện cáo. Bởi điều đó không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN mà còn làm mất niềm tin của người tiêu dùng. Còn ai dám bỏ tiền "ứng trước" hay "góp vốn" để mua nhà nếu họ hoài nghi: Liệu chủ đầu tư sẽ dùng tiền đó cho việc xây nhà hay dùng vào mục đích khác? Liệu mình có được nhận nhà đúng hạn hay sẽ phải mệt mỏi với cảnh “thả gà ra đuổi”?