Khoảng 15g ngày 10-3, tại cầu Chợ Đệm, huyện Bình Chánh, TP.HCM, một dầm cầu đang được đưa lên gắn vào trụ cầu đã bị lật, gãy khiến hai công nhân đang thi công là Trần Văn Thảnh (26 tuổi, quê Nam Định) và Trần Đình Trung (22 tuổi, quê Nghệ An) bị thương nặng.
Theo những người chứng kiến, ngay khi nghe một tiếng ầm thì mọi người chạy ra thấy dầm cầu bị gãy và hai công nhân rớt dưới nước. Người dân đã cùng công nhân đang thi công dùng ghe ra vớt hai người bị nạn và chở đi bệnh viện cấp cứu. Theo bác sĩ Tống Quốc Anh Khoa (Bệnh viện Bình Chánh), hai công nhân bị nạn sau khi sơ cứu tại bệnh viện huyện đã được chuyển lên tuyến trên.
Bác sĩ Phan Văn Nghiệm - trưởng phòng nghiệp vụ y Sở Y tế TP.HCM - cho biết đến 20g cùng ngày, hai nạn nhân trong vụ sập dầm cầu Chợ Đệm đã được ngành y tế chăm sóc tích cực. Trong đó, nạn nhân Trần Văn Thảnh được cấp cứu tại Bệnh viện Nhân Dân 115 trong tình trạng hôn mê, hai đùi bị gãy, phần cơ giập nát. “Do nạn nhân bị sốc nặng và mất nhiều máu nên huyết áp không ổn định, tiên lượng tình trạng rất xấu. Đội ngũ bác sĩ của bệnh viện đang nỗ lực truyền máu và áp dụng các biện pháp hồi sức để giúp nạn nhân qua cơn nguy kịch rồi mới tính tới phương án phẫu thuật điều trị chấn thương”, ông Nghiệm cho biết.
Cùng thời điểm trên, bác sĩ Võ Tấn Thưởng - khoa cấp cứu Bệnh viện Nhân Dân 115 - cho biết bệnh nhân đang được thở máy, các bác sĩ đã dùng thuốc vận mạch và truyền dịch cao phân tử để nâng huyết áp cho bệnh nhân, đồng thời truyền máu cho bệnh nhân. Tuy nhiên sau hơn hai giờ cấp cứu liên tục, bệnh nhân vẫn trong tình trạng nguy kịch.
Trong khi đó theo Bệnh viện Chợ Rẫy, nạn nhân Trần Đình Trung đã được đưa vào khoa cấp cứu bệnh viện lúc 15g chiều 10-3. Với chẩn đoán chấn thương đầu mặt, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt. Kết quả chụp CT cho thấy có giập não nhẹ, bệnh nhân được cho nhập khoa chấn thương sọ não để tiếp tục theo dõi, điều trị.
Đợi “sếp” gọi điện mới đến
Đoạn đầu cầu Chợ Đệm đang thi công bị sự cố thuộc dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương với chiều dài hơn 500m, chiều rộng 20,5m. Tại hiện trường, chúng tôi thấy một dầm cầu đã bị gãy làm đôi rớt xuống sông nhưng hai đầu vẫn còn lơ lửng trên ròng rọc ở hai mố cầu. Một dầm cầu khác đã được lắp đặt đang bị cong vẹo. Được biết, gói thầu xây dựng dầm nhịp cầu Chợ Đệm này do Công ty cổ phần xây dựng 11 Thăng Long (thuộc Tổng công ty xây dựng Thăng Long) thi công.
Khoảng 16g40, ông Nguyễn Thành Tài - phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, ông Trần Quang Phượng - giám đốc Sở GTVT, ông Trần Trọng Tuấn - chủ tịch UBND huyện Bình Chánh - đã có mặt nhưng không hề thấy người có trách nhiệm của đơn vị thi công. Đến hơn 17g, khi ông Trần Quang Phượng gọi điện thoại yêu cầu đơn vị thi công công trình có mặt giải thích vụ việc với báo chí thì một lúc sau mới có mặt ông Trịnh Nam Sơn, phó giám đốc ban điều hành dự án Tổng công ty xây dựng Thăng Long, và đơn vị quản lý, đơn vị thi công mới xuất hiện.
Ngay sau khi xảy ra sự cố, các cơ quan bảo vệ pháp luật như Công an TP, Viện kiểm sát, kỹ thuật hình sự... đã có mặt để ghi nhận hiện trường ban đầu và tiến hành các bước điều tra tiếp theo.
Có thể do gió...
Tại hiện trường, ông Trịnh Nam Sơn cho biết cầu vượt sông Chợ Đệm có chiều dài trên 500m, đã lắp đặt hoàn chỉnh sáu dầm chính. Sự cố xảy ra khi đơn vị thi công đang sàng và lắp đặt dầm nhịp số 9 có chiều dài 42m, nặng 70 tấn vào vị trí. Khi các công nhân cho cẩu dầm nhịp số 9 để đặt vào vị trí thì chiếc dầm này bị lắc và gãy đôi. Khi rơi gãy, dầm nhịp số 9 va đập vào dầm số 10 làm dầm 10 bị nghiêng và uốn cong theo hướng từ ngoài vào trong.
Ông Trịnh Nam Sơn nói hiện chưa xác định được nguyên nhân xảy ra sự cố nhưng theo nhận định ban đầu của ông, có thể là do sức gió khi sàng dầm nhịp số 9 vào vị trí hoặc có thể do khi hạ cáp đưa dầm xuống các công nhân thao tác không đồng đều khiến dầm mất cân bằng và bị gãy. Ông Sơn bác bỏ khả năng chất lượng dầm kém: “Dầm do chính đơn vị thi công đúc, trước khi đưa vào lắp đặt chúng tôi đã thử khả năng chịu lực và các tác động khác theo yêu cầu kỹ thuật”.
Ông Sơn cho biết thêm đội thi công hạng mục này gồm mười người nhưng khi xảy ra sự cố chỉ có bốn người đang làm việc, trong đó có hai công nhân bị tai nạn. Tuy phía bệnh viện cho biết hai công nhân bị nạn khá nghiêm trọng nhưng trao đổi với báo chí, ông Sơn một mực khẳng định hai người này chỉ bị thương nhẹ (!?). Cũng theo ông Trịnh Nam Sơn, trong vài ngày tới đơn vị thi công sẽ khắc phục sự cố này trong thời hạn nhanh nhất.
Tối cùng ngày, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư dự án trên) cho biết nguyên nhân rơi hai nhịp dầm cầu là do công nhân sử dụng thiết bị cẩu nâng hạ dầm cầu không đúng kỹ thuật dẫn đến tai nạn lao động trên. Đồng thời xác định nhà thầu thi công - Tổng công ty xây dựng Thăng Long - phải chịu trách nhiệm về các thiệt hại xảy ra như phải thanh thải nhịp dầm cầu dưới lòng sông để bảo đảm an toàn giao thông đường thủy và đúc lại hai nhịp dầm mới có trị giá 300 triệu đồng/dầm và phải bảo đảm tiến độ thi công công trình.
Cấm tàu thuyền qua lại
Đoạn quản lý đường thủy nội địa số 10 thông báo: Để đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện thủy và công trường, cấm tất cả phương tiện thủy lưu thông qua khu vực cầu Chợ Đệm kể từ thời gian xảy ra sự cố. Các phương tiện thủy chỉ được lưu thông trở lại bình thường khi có thông báo mới.
Do sơ suất trong thao tác sử dụng thiết bị
Tối qua, Bộ Giao thông vận tải đã phát đi thông cáo cho biết nguyên nhân của sự cố là do sơ suất trong vận hành thiết bị. Thông cáo cho biết sự cố xảy ra trong lúc Công ty cổ phần Cầu 11 (Tổng công ty xây dựng cầu Thăng Long) đang thi công lao dầm thứ 142, cầu Chợ Đệm. Khi đang hạ dầm vào gối và cân chỉnh cao độ, do sơ suất trong thao tác sử dụng thiết bị nâng hạ của công nhân nên đã gây ra rung lắc làm mất ổn định bụng dầm, do đó dầm bị xoắn và gãy rơi xuống sông Chợ Đệm. Theo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, hậu quả đã làm gãy một dầm và một dầm lao vào vị trí do va chạm mạnh nên bị nghiêng.
DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ