“Sầm uất” sàn giao dịch tại Mỹ Phước 3. |
Trong khi thị trường nhà đất TPHCM đang gần như “tê liệt” thì những thông tin về đất nền ở Bình Dương những tháng qua nóng rần rần. Ngày 27-9, gần 700 nhà đầu tư ở TPHCM đã chen chúc nhau tại sàn giao dịch bất động sản Đất Xanh (927 Đinh Bộ Lĩnh, Bình Thạnh, TPHCM), giành quyền bốc thăm mua nền đất ở dự án khu đô thị dịch vụ Hưng Phước - Mỹ Phước. Trước đó, khoảng 1.000 nhà đầu tư phải xếp hàng giành quyền bốc thăm mua nền tại dự án khu đô thị dịch vụ du lịch Hoàng Gia, Bình Dương!
Nhà môi giới phù phép (!)
Theo nhà phân phối (Công ty Đất Xanh), hơn 700 nền đất của 2 dự án trên đã được bán hết sạch chỉ trong vòng một buổi. Các công ty môi giới đưa khách từ TPHCM lên Bình Dương mua đất hiện nay có thể đếm khá nhiều, trừ Đất Xanh “thâm niên” từ đợt sốt đất năm 2007, còn có Nam Tiến, Kim Oanh… Mỗi ngày, các công ty môi giới bố trí xe đưa đón khách hàng 2 lần lên Bình Dương để “mục sở thị” dự án nhà ở.
Hiện nay, những dự án đang được các nhà môi giới chào bán là Mỹ Phước 1, 2, 3, 4; Hoàng Gia; khu dân cư Hòa Lợi… Sở dĩ đất ở Bình Dương hút hàng, theo những người lùng mua, là vì giá rẻ, mua để chờ giá lên bán lại kiếm lời. Chẳng hạn như Hưng Phước - Mỹ Phước giá từ 1,45 triệu đồng/m²; Hoàng Gia giá từ 275 triệu đồng/nền; Mỹ Phước giá 1,6 triệu đồng/m². “Với giá đó, ở TPHCM không tìm đâu ra. Mua bỏ vài tháng bán lại kiếm lời chắc luôn”, một vị khách khẳng định chắc nịch khi bản thân mua nhiều nền tại khu đô thị Mỹ Phước, đồng thời rủ rê bạn bè tham gia.
Nhằm giành khách hàng, có sàn giao dịch bất động sản đã phù phép tung ra chiêu trốn thuế. Đó là trường hợp sàn giao dịch bất động sản Nam Tiến, tọa lạc tại B5 - B6 khu dân cư Kim Sơn, đường Nguyễn Hữu Thọ, phường Tân Phong, quận 7, TPHCM đang rầm rộ bán các nền đất tại dự án Khu đô thị công nghiệp Mỹ Phước 3.
Giải thích khách hàng, đại diện sàn giao dịch bất động sản Nam Tiến quảng cáo: Toàn bộ khu đô thị - công nghiệp Mỹ Phước, trong đó có Mỹ Phước 3 do Công ty Đầu tư phát triển công nghiệp Bình Dương (gọi tắt là Becamex) làm chủ đầu tư. Sau đó, Becamex lập các công ty con để chia đất ra từng dự án để liên doanh, hợp tác đầu tư...
Lai lịch khu đất do sàn Nam Tiến môi giới như sau: Nguồn gốc khu đất chia cho công ty “con” Liên Việt, rồi Liên Việt lại “đẻ” một công ty “cháu” là Công ty cổ phần Vạn Bình Minh để đứng ra làm dự án và đơn vị này giao đất lại cho Nam Tiến môi giới phân phối. Sàn giao dịch Nam Tiến tiếp tục “sinh” ra bản hợp đồng môi giới chuyển nhượng quyền sử dụng đất… né thuế. Theo đó, Công ty Vạn Bình Minh chỉ đóng vai trò môi giới. Còn đại diện bán đất là một cá nhân mang tên Nguyễn Hoàng Trọng Hữu.
Một nhân viên của sàn Nam Tiến giải thích nguyên nhân lòng vòng này rằng, nền đất là của Công ty Vạn Bình Minh giao cho ông Hữu chuyển nhượng lại, bởi nếu công ty đứng bán sẽ phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp đến 28%. Thông qua hợp đồng môi giới, công ty sẽ lách được khoản tiền này và chỉ nộp trên số tiền là 10 triệu đồng (!?). Chưa hết, diện tích lô đất tại Mỹ Phước 3 muốn cỡ nào cũng được, 150m², 300m², hoặc có thể sáp nhập lên thành 450m²!
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hiền Phúc, Trưởng văn phòng Luật sư Becamex (đơn vị trực thuộc Becamex IDC Crop) khẳng định: “Đây là những hợp đồng vớ vẩn, vứt đi. Người dân tin vào kiểu buôn bán sai phạm trốn thuế, pháp lý mù mờ nếu có rủi ro phải tự chịu thiệt hại”. Còn về quy hoạch, Khu đô thị Mỹ Phước 3 chỉ có nền diện tích theo quy hoạch 300m². Lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương khẳng định, đất dự án khu đô thị mới là tuân theo quy hoạch chi tiết được duyệt, không thể có chuyện tách nhập thửa tự do, làm như vậy sẽ dẫn tới việc phá nát quy hoạch.
Theo giới thiệu của nhân viên sàn giao dịch Nam Tiến, hiện đang bán 500 nền đất tại Khu đô thị Mỹ Phước 3. Qua tìm hiểu của chúng tôi, sàn này đã bán, tiến hành thu tiền nền đất thông qua kiểu hợp đồng như vậy!
Những khu đô thị... nằm chờ
Tỉnh Bình Dương đang có 197 dự án khu dân cư với diện tích đất được giao là 6.584ha. Cuối tháng 9-2009, trong tổng số các dự án đã giao đất chỉ có 51 dự án hoàn thành, chiếm tỷ lệ gần 25%. Còn lại là dở dang nối tiếp dang dở, chưa đền bù xong. Tệ hơn là chủ đầu tư không đủ năng lực, có khi giao đất cả hàng chục năm nhưng chủ đầu tư vẫn không đả động gì! Chính vì thế, tỉnh này mới đây đã ra quyết định thu hồi 19 dự án, hiện nay tiếp tục thanh tra 59 dự án nữa!
Việc triển khai dự án nhà ở chậm chạp chỉ là một trong những vấn đề của câu chuyện phát triển đô thị ở Bình Dương. Khu dân cư Mỹ Phước được giới đầu tư TPHCM biết đến từ năm 2007. Nhờ cơn sốt đất mà có người đã kiếm bạc tỷ, tất nhiên cũng lắm người “mắc cạn” cay đắng! Hiện nay khu dân cư này vẫn tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư từ TPHCM.
Cách trung tâm TPHCM gần 2 giờ đi xe ô tô, cách thị xã Thủ Dầu Một khoảng 15km, Khu đô thị mới Mỹ Phước thuộc huyện Bến Cát được quy hoạch khá bài bản. Theo đó, khu dân cư Mỹ Phước gồm có Mỹ Phước 1, 2, 3, 4; rồi thêm khu thương mại - dịch vụ tái định cư Mỹ Phước với tổng diện tích khoảng 280ha. Có quyết định giao đất và triển khai sớm nhất là Mỹ Phước 1, từ tháng 3-2003.
Đến nay, theo báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương là bồi thường đã xong, thi công cơ sở hạ tầng cũng gần xong, việc xây dựng nhà chiếm gần 50%. Nhưng điều đáng nói là cư dân vào ở quá thưa thớt, hoặc chính xác hơn là hoang vắng.
Anh Nguyễn Thế Hùng, về đây ở gần một năm, nhà anh thuộc khu nhà phố thương mại, cho biết, trong 6 khu nhà xây sẵn chỉ có một khu nhà phố thương mại có người ở. Tuy nhiên, số lượng người ở quá ít, trong tổng số 70 căn thì chỉ có 6 nhà “sáng đèn”. “Nói là khu nhà phố thương mại, nhưng có ai ở đâu mà kinh doanh buôn bán?”, anh Hùng ta thán.
Sang khu Mỹ Phước 3, những trục đường lớn mọc lên dày đặc các trung tâm môi giới bất động sản, ước có trên 100 trung tâm như vậy! Nhà cửa xây dựng khang trang đẹp đẽ, nhưng cửa khóa then cài thì vô số, mặc cho dây leo bao phủ!
Dự án mới hoàn thành không người ở, hoang hóa. Vậy hàng trăm khu dân cư mọc lên như nấm để làm gì? Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương bộc bạch: “Nói thiệt, nhu cầu nhà ở thật không nhiều lắm đâu. Ngay cả khu dân cư Chánh Nghĩa nằm trong thị xã, triển khai cả chục năm nay rồi cũng còn trống trải, có mấy người ở đâu?”.
Theo thống kê, đến nay dân số tỉnh Bình Dương khoảng 1,4 triệu người, đất rộng người thưa, liệu phát triển quy hoạch đô thị hiện nay có quá lãng phí không? Hàng loạt nhà đầu tư từ TPHCM rủ nhau lên Bình Dương “nhắm mắt” mua đất, có phải mục đích sẽ “cắm dùi” hay là chỉ mua đi bán lại kiếm lời? Nếu chỉ để kiếm lời vậy ai sẽ là người bị “mắc cạn”?
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng