Top

Quy hoạch Thủ đô: Coi trọng phát triển bền vững, hài hòa

Cập nhật 23/03/2011 09:40


Ông Trần Trọng Hanh
Đó chính là quan điểm mà ông Trần Trọng Hanh, đại biểu HĐND TP Hà Nội đưa ra về vấn đề quy hoạch chung của Thủ đô. Phóng viên NDĐT đã có cuộc phỏng vấn ông Hanh một số vấn đề liên quan.

* PV: Điều gì khiến ông quan tâm nhất khi Hà Nội đang điều chỉnh quy hoạch cục bộ?

Ông Trần Trọng Hanh: Tôi lo nhất là hiện tượng đô thị rỗng, tức là chia lô bán nền, tỷ lệ đất thương mại nhà và đất rất nhiều. Tỷ lệ này lên đến 40-50%, có cái lên 60-70% tùy theo loại dự án. Đô thị thiếu trường học, thiếu nhà trẻ, cây xanh, thiếu hạ tầng kết cấu, thiếu không gian công cộng là mối lo nhất hiện nay.

Việc cải tạo các khu đô thị cũ cũng vậy. Nếu Hà Nội không có một chiến lược cải tạo một đô thị 1,000 năm lịch sử thì có thể biến toàn bộ những khu phố cũ, phố cổ, những đô thị hiện có trở thành mâu thuẫn xung đột rất lớn trong tương lai về vấn đề điện nước, giao thông, san nền, tiêu thủy, cũng như không tiếp tục được bổ sung những thiếu hụt trong quá trình phát triển lịch sử để lại. Đó là điều tôi quan tâm!

* PV: Theo ông, khi điều chỉnh quy hoạch cục bộ, nguyên tắc nào được đặt lên hàng đầu?

Ông Trần Trọng Hanh: Nguyên tắc thứ nhất là việc điều chỉnh cục bộ tất cả đều có lý do và sự cần thiết và phải giải trình.

Lý do đó là toàn bộ những quy hoạch cũ khi được phê duyệt chỉ đúng một số phần. Trong quá trình tổ chức thực hiện thấy rằng những quyết định có những sai sót và những sai sót đó phải được xem xét trên cơ sở khoa học.

Nguyên tắc thứ hai, mỗi một khu đô thị đều là một thể thống nhất. Việc điều chỉnh không được vi phạm bất cứ một nguyên tắc, một cấu trúc quy hoạch, nghĩa là mắt phải bố trí ở phần đầu không thể đưa xuống phần bụng, chân tay ở dưới lại đưa lên trên.

Hiện nay, rất nhiều nơi điều chỉnh chỉ để cho vừa, mà vừa thì sẽ gây tổn hại rất lớn.

Nguyên tắc ba là điều chỉnh phải tốt hơn chứ điều chỉnh sâu hơn về chỉ tiêu, chất lượng cuộc sống và chất lượng quy hoạch thì không nên.

Ba nguyên tắc này phải đảm bảo rà soát năm năm một lần.

* PV: Việc điều chỉnh cục bộ các khu đô thị thời gian tới khiến người ta có cảm giác quy hoạch ấy quá ôm đồm, ý kiến của ông về vấn đề này?

Ông Trần Trọng Hanh: Nếu như nhận thức đúng, quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội hiện đang vươn tới một đô thị khổng lồ.

Với những tiềm năng và điều kiện thuận lợi về kinh tế - xã hội của Thủ đô hiện tại, chúng ta không nên phát triển nóng mà hãy coi trọng phát triển bền vững, hài hòa về ba mặt kinh tế - xã hội - môi trường.

Không nên phát triển tập trung quá nhiều trong Thủ đô mà phải áp dụng mô hình phi tập trung, nhường quyền phát triển Thủ đô cho các tỉnh chung quanh với quy hoạch trên cơ sở xây dựng kết cấu hạ tầng trên diện rộng. Đó là cách giải quyết tốt nhất để giải quyết mâu thuẫn giữa hạ tầng chậm phát triển và tốc độ đầu tư xây dựng.

* PV: Vấn đề nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn đang tồn tại tại Thủ đô. Vậy theo ông Hà Nội có thể giải quyết được vấn đề này?

Ông Trần Trọng Hanh: Vấn đề này tôi nghĩ là có thể giải quyết được nhưng đòi hỏi lâu dài vì đây là nhu cầu của xã hội và thói quen nhiều năm.

Tuy nhiên, không thể giải quyết vấn đề này theo kiểu quyết tâm hô khẩu hiệu mà đây là một việc lớn phải có trình tự, thủ tục, phải chia từng bước.

Siêu mỏng, siêu méo là quy phạm do đó phải có định nghĩa thế nào là siêu mỏng, siêu méo tức là tỉ lệ chiều dầy của công trình so với toàn bộ khối tích của công trình. Nó có thể mảnh với nhà này nhưng không mảnh với nhà khác; có khu nhà to nhưng là nêu so trong tương quan với lô đất lớn.

Phải xác định rõ khái niệm này để xác định đúng mức độ vi phạm, sau đó mới áp vào các luật định để xử phạt, chứ đừng vội quy luôn.

* PV: Nhiều người nói hiện tượng này là do chế tài chưa đủ nghiêm. Liệu điều đó có đúng không, thưa ông?

Ông Trần Trọng Hanh: Chế tài chỉ áp dụng cho đối tượng cố tình cố ý làm trái. Còn bao giờ cũng có quá trình tuyên truyền giáo dục, hướng dẫn để mọi người làm đúng.

Sự chặt chẽ chế tài là cần thiết nhưng không lấy đó làm gốc giải quyết vấn đề.

PV: Xin cảm ơn ông!

DiaOcOnline.vn - Theo Nhân Dân