Top

Quy hoạch sử dụng đất: Tiếp tục dài cổ chờ!

Cập nhật 19/02/2013 08:21

Nên gộp hai loại quy hoạch thành một và tập trung thực hiện cho thật tốt.

Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn từ năm 2000-2010 đã hết hạn nhưng quy hoạch mới chưa có làm ách tắc hồ sơ của dân, mục đích của UBND TP trong việc tách thửa, chuyển mục đích không thực hiện được. Vì sao chưa có quy hoạch mới; cùng lúc tồn tại hai loại quy hoạch cho một diện tích có cần thiết? Bà Nguyễn Thị Cẩm Vân, Trưởng phòng Kế hoạch thuộc Sở TN&MT, đã trao đổi với chúng tôi về vấn đề này.

Chưa biết khi nào duyệt

* Người dân ở một số nơi như huyện Hóc Môn đang bị ách tắc không tách thửa, chuyển mục đích vì chờ quy hoạch sử dụng đất. Vậy quy hoạch 2011-2020 đang thực hiện tới đâu, thưa bà?

+ Bà Nguyễn Thị Cẩm Vân: Mới đây TP đã có buổi làm việc với Bộ TN&MT về quy hoạch sử dụng đất của TP để thẩm định lại về đồ án này. Dự kiến TP sẽ trình HĐND thông qua trong quý I-2013. Sau khi được HĐND thông qua, TP sẽ trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch sử dụng đất của toàn TP. Khi đã được duyệt, TP tiếp tục phê duyệt quy hoạch sử dụng đất của các quận, huyện.

* Như vậy quy hoạch sử dụng đất của TP và các quận, huyện vẫn phải chờ?

+ Đúng là như vậy.

* Phải chăng công tác chuẩn bị không kịp thời nên quy hoạch cũ hết hạn nhưng quy hoạch cho giai đoạn mới bị chậm trễ?

+ Luật quy định quy hoạch sử dụng đất có phân kỳ là 10 năm. Tuy nhiên, gần như các giai đoạn không thể liền mạch, bị chậm trễ. Trong đó có lý do là phải tuân thủ theo quy trình: Quy hoạch sử dụng đất của cả nước do Quốc hội duyệt, sau đó mới đến quy hoạch sử dụng đất của cấp tỉnh do Chính phủ duyệt rồi mới đến cấp huyện và cấp phường, xã, thị trấn. Quy hoạch sử dụng đất của cả nước cũng chỉ mới được duyệt vào đầu năm 2012 nên đến nay TP.HCM chưa có quy hoạch sử dụng đất mới.


Nhiều khu quy hoạch sử dụng đất ở ngoại thành đã hết hạn nhưng quy hoạch mới chưa có làm người dân gặp khó khăn trong việc tách thửa. Ảnh:HTD

Nghịch lý: Một thửa đất chịu hai quy hoạch

* Một diện tích đất nhưng chịu chi phối bởi hai loại quy hoạch: Quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, hai quy hoạch này không theo trình tự trước sau mà mạnh bên nào bên nấy lập. Có khi nào xảy ra sự vênh nhau hay không?

+ Việc này cũng ít xảy ra bởi khi lập thì bên này phải nhìn qua bên kia để tham khảo đối chiếu. Tuy nhiên, quy hoạch xây dựng không phải đến năm 2020 mà còn “tầm nhìn đến năm 2025”, trong khi quy hoạch sử dụng đất chỉ đến năm 2020. Do đó cũng có thể xảy ra vênh nhau do lệch nhau năm năm.

* Cùng một lúc có hai quy hoạch vừa dễ dẫn đến chồng lấn, mâu thuẫn, lại tốn kém thời gian, vật chất. Không ít ý kiến cho rằng nên gộp hai thành một và tập trung thực hiện cho thật tốt. Bà nghĩ sao?

+ Đó cũng là quan điểm mà TP đã kiến nghị bằng văn bản. Trong đó nêu rằng chỉ sử dụng quy hoạch tích hợp, không song song tồn tại hai quy hoạch độc lập nhau như hiện nay. Việc gộp hai quy hoạch thành một vừa hợp lý vừa đỡ lãng phí tiền bạc, thời gian, công sức.

Hiện Bộ TN&MT thì quy định về quy hoạch sử dụng đất. Bộ Xây dựng thì quy định về quy hoạch xây dựng. Trong các văn bản hướng dẫn, bộ này độc lập với ngành kia mà không có sự phối hợp. Do đó, địa phương cũng rất vất vả không chỉ phải tham thảo quy hoạch của ngành kia mà có khi còn phải thay đổi hẳn nội dung cho phù hợp nhau, gây nhiều khó khăn. Giữa các địa phương khác nhau thì ý nghĩa và sự cần thiết của hai loại quy hoạch này cũng khác, chẳng hạn với đô thị thì quy hoạch xây dựng “mạnh” hơn quy hoạch sử dụng đất. Còn nông thôn thì ngược lại. Những điều đó cũng cần được quy định và làm rõ. Vừa rồi dự thảo sửa đổi Luật Đất đai đã bỏ quy hoạch sử dụng đất tại cấp phường, xã, thị trấn có lẽ do nhận thấy không cần thiết có quy hoạch này.

* Xin cảm ơn bà.

Ngán ngại với quy hoạch

Quyết định 54/2012 của UBND TP tháo gỡ về hạn mức tối thiểu để tách thửa đất tưởng sẽ thuận lợi cho người dân trong việc chuyển mục đích sử dụng đất vì quy định mới thuận lợi nhưng ách tắc vẫn hoàn ách tắc chỉ vì quy hoạch.

Nhìn lại, hiện một diện tích đất “gánh” hai loại quy hoạch na ná nhau: Một quy hoạch xây dựng do ngành xây dựng lập, một quy hoạch sử dụng đất do bên đất đai thực hiện. Hai loại quy hoạch này, quy mô và công phu chẳng bên nào kém bên nào. Quy hoạch xây dựng thì có quy hoạch chung cả nước, quy hoạch chung cấp tỉnh rồi quy hoạch chung cấp huyện để tiếp tục chia nhỏ thành quy hoạch chi tiết 1/2000, 1/500… Trong khi quy hoạch sử dụng đất cũng cấp toàn quốc, rồi cấp tỉnh, cấp huyện rồi cụ thể đến phường, xã, thị trấn. Không biết hiệu quả tới đâu nhưng trước mắt là tốn kém sức người, sức của. Riêng tại TP.HCM, quy hoạch chi tiết thiếu nghiêm trọng, quy hoạch sử dụng đất thì hết hạn chưa biết khi nào ban hành do phải chờ duyệt theo trình tự từ trung ương xuống địa phương…

Quy hoạch không có lỗi nếu nó được thực hiện khoa học, nhịp nhàng nhưng hiện tại thì điều này chưa đạt, gây khổ cho dân: Không phù hợp quy hoạch phải khổ đã đành nhưng phù hợp cũng không vui nổi vì quy hoạch thiếu, quy hoạch hết hạn, làm quyền của người dân cứ mãi bị “treo”.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP