Đã xuất hiện trường hợp chưa chấp thuận phương án đền bù chờ chính sách giá mới. |
Nghị định số 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất, bồi thường, hỗ trợ khi giải phóng mặt bằng sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10 tới. Tuy nhiên, vẫn có nhiều lo ngại về cơ sở nêu ra trong Nghị định sẽ khó giải quyết những trường hợp "giao thời" giữa quy định cũ và quy định mới.
Cuối tuần qua, hội nghị xin ý kiến lãnh đạo cấp quận, huyện và các cơ quan liên quan của Hà Nội về việc điều chỉnh cơ chế chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo Nghị định 69/2009/NĐ-CP đã được tổ chức.
Ông Nguyễn Đức Biền, Trưởng Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố cho biết, Nghị định mới quy định hiệu lực thi hành từ ngày 1/10 tới, sẽ áp dụng mức hỗ trợ cao hơn từ 1,5 tới 5 lần giá đất nông nghiệp cho chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm. Do vậy đã xuất hiện một số cơ quan và hộ dân chờ chính sách của thành phố ban hành mà chưa chấp thuận phương án đền bù làm ảnh hưởng đến tiến độ của nhiều dự án trọng điểm.
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, mặc dù Nghị định 69/2009/NĐ-CP có nhiều quy định mới về bồi thường, hỗ trợ nhưng vẫn có một số điểm chưa rõ ràng, đòi hỏi phải được giải quyết triệt để trong quy định mới của thành phố.
Đại biểu đến từ huyện Từ Liêm băn khoăn, liệu có thiệt thòi không nếu những hộ dân chấp hành tốt chủ trương của Nhà nước, bàn giao sớm mặt bằng trước thời điểm 1/10 lại phải nhận số tiền đền bù thấp hơn gần 5 lần so với một số hộ chây ỳ không chịu nhận tiền đền bù nhằm hưởng chênh lệch giá trước và sau ban hành Nghị định.
Cũng liên quan đến câu chuyện giải phóng mặt bằng, đại biểu đến từ Quận Tây Hồ cho rằng, chỉ cần một số hộ dân chây ỳ không bàn giao mặt bằng thêm ngày nào sẽ gây lãng phí lớn cho chủ đầu tư và Nhà nước.
Ngay trên địa bàn quận này, dự án Kè Hồ Tây khởi công vào năm 2006 với tổng vốn đầu tư 480 tỷ đồng. Nhưng sau 3 năm do ách tắc tại khâu giải phóng mặt bằng, số vốn đầu tư ước tính đã lên tới 1.000 tỷ đồng.
Hay như dự án đường Lạc Long Quân do Sở Giao thông Vận tải Hà Nội làm chủ đầu tư, được khởi công từ cuối tháng 11/2005, dự kiến sau khi hoàn thành, cùng với tuyến đường Văn Cao – Hồ Tây, đây sẽ là con đường huyết mạch nối khu vực Láng- Hòa Lạc với khu vực Hồ Tây và các khu công nghiệp vùng Bắc sông Hồng. Tuy nhiên sau gần 4 năm triển khai, nhiều hạng mục của dự án vẫn tiếp tục "treo" gây lãng phí hàng tỷ đồng. Hiện tổng vốn đầu tư ước tính lên tới 400 tỷ đồng thay vì 280 tỷ đồng theo dự kiến ban đầu.
Theo ông Nguyễn Đức Biền, với hàng trăm dự án đang tiến hành giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó có những dự án trọng điểm như dự án đường 32, đường Láng - Hòa Lạc, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, việc các dự án lớn kéo dài qua nhiều thời kỳ là điều không thể tránh khỏi, quan trọng là phương án phê duyệt vào thời điểm nào thì áp dụng đúng chính sách tại thời điểm đó.
Ông Biền nhấn mạnh, cần làm rõ trường hợp bồi thường chậm do lỗi nhà đầu tư hay do người bị giải tỏa để thẩm định lại giá đất làm căn cứ tính bồi thường. Nếu dự án chậm do lỗi hộ gia đình thì người dân phải thực hiện theo phương án đã duyệt. Ngược lại, lỗi của nhà đầu tư hoặc Nhà nước thì việc xem xét lại giá đất bồi thường thực hiện theo các quy định tại Nghị định 197/NĐ-CP.
Hiện nay, Hà Nội đang gấp rút soạn thảo quy định mới về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để triển khai Nghị định 69/NĐ-CP.
Các dự án, hạng mục giải phóng mặt bằng đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hoặc đang thực hiện theo phương án đã được duyệt trước khi Nghị định 69/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/10/2009 thì không được điều chỉnh theo quy định mới, mà thực hiện theo Quyết định số 18/2008/QĐ-UBND được thành phố ban hành trước đó.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy