Vừa qua, Đề án "Quản lý quỹ nhà biệt thự trên địa bàn thành phố" đã được UBND thành phố Hà Nội thông qua. Một nội dung quan trọng của đề án là "không phải bán cho mọi đối tượng có tiền" và "nhà biệt thự được bảo tồn nguyên trạng"...
Trước hết, nhà biệt thự ở Hà nội là câu chuyện của lịch sử. Điều đó, khiến cho việc quản lý, khai thác quỹ nhà này có những khó khăn nhất định. Nhà biệt thự hầu hết được xây dựng từ trước năm 1945, chủ yếu nằm trên địa bàn các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình - những ngôi nhà này phần lớn có kiến trúc Pháp. Đây là những địa bàn có mật độ dân cư cao, có mức độ giao lưu thương mại lớn, nhất là khu vực Hoàn Kiếm. Chính vì thế, chỉ khu vực Ba Đình là giữ nguyên vẹn, còn khu vực khác, đặc biệt là quận Hoàn Kiếm thì bị phá vỡ bởi những kiến trúc đồ sộ và nhu cầu cải tạo cơi nới của người sử dụng.
Có khá nhiều quan điểm khác nhau khi đề án Quản lý quỹ nhà biệt thự được thông qua, nhưng cần phải thừa nhận đây là nỗ lực của Hà Nội trong lĩnh vực này. Theo đó, mục tiêu của đề án chính là "quản lý", trong đó có bán nhà biệt thự cho đối tượng thuê nhà theo Nghị định 61/CP với ba tiêu chí (hiểu là ba cấp độ): Nhà biệt thự được bảo tồn nguyên trạng; nhà được cải tạo; nhà không cần giữ. Từ tiêu chí này, phân ra các dạng: Biệt thự không được bán; biệt thự đang bán dang dở thì bán tiếp; những biệt thự để lại để bảo tồn.
KTS Tô Thị Toàn - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng "Bán hay không bán không phải là vấn đề chính trong quản lý quỹ nhà biệt thự cũ ở Hà Nội. Vấn đề của nó chính là tìm một cơ chế chính sách phù hợp và ý thức của người dân khi được sử dụng hoặc sở hữu những căn nhà này". Một lần nữa, ý thức của người dân đóng một vai trò quan trọng, nhưng trên thực tế ý thức lại là một câu chuyện dài và phải chịu nhiều sự tác động. Thực tế, các biệt thự đã bị chia nhỏ, cơi nới, thậm chí có người đã bán đất trong khuôn viên.
Nhà biệt thự trước 1954 vốn chỉ một chủ nhân sử dụng, sau đó được phân cho nhiều chủ và mỗi năm số nhân khẩu lại tăng lên, kết quả là kiến trúc bị biến dạng trước nhu cầu của các hộ. Theo thống kê gần đây nhất, trong số 970 biệt thự do thành phố quản lý, có tới 804 biệt thự dùng để ở, số biệt thự có từ 1 đến 2 hộ chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 5%; 90% tổng số biệt thự có từ 5-15 hộ sinh sống, thậm chí có những biệt thự phải chứa tới 35-50 hộ. Nhiều biệt thự bị hư hỏng, hàng chục năm không được đầu tư tu sửa, số biệt thự còn nguyên hiện trạng chỉ chiếm 15%, còn lại đã bị cải tạo, sửa chữa. Về phía người dân, do vẫn là nhà đi thuê, "cha chung không ai khóc", nên những ngôi biệt thự đó càng nhanh bị xuống cấp. Theo đánh giá của giới kiến trúc sư, chúng ta chưa có được một công trình (dân dụng hoặc công sở) vượt qua "tầm" kiến trúc của các biệt thự cổ, cũ.
Đó chính là điều khiến quyết định bán biệt thự cổ, cũ theo Nghị định 61/CP chưa nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của giới nghiên cứu lịch sử và văn hóa. Tính đến 31-10-2008 toàn thành phố có 970 biệt thự (42 biệt thự không bán, 228 biệt thự chưa bán, 164 biệt thự đã bán trọn biển, 536 biệt thự đã bán một phần). Trong số 970 biệt thự có 55 biệt thự có giá trị kiến trúc (29 biệt thự có giá trị kiến trúc không bán, 9 biệt thự đã bán trọn biển, 17 biệt thự đã bán một phần).
Theo sự phân loại của đề án, sẽ có khoảng 634 ngôi bán tất cho các hộ dân theo Nghị định 61/CP, thành phố chỉ giữ lại 173 biệt thự có diện tích trên 500m2. Có nhiều phương án nhằm quản lý quỹ biệt thự nói trên, song thực tế thì những đối tượng (tổ chức, cá nhân) đang được sử dụng biệt thự cũ phải đối diện với nhu cầu rất lớn về cải tạo chỗ ở. Phương án di dời được đề cập tới song người muốn chuyển đến nơi ở mới thật không nhiều, nhất là khi nơi ở mới không "tiện" cho sinh hoạt, làm ăn của họ. Đối với những biệt thự thuộc dạng được bán, nhưng đến năm 2010 không bán được, Nhà nước đứng ra mua.
Bán nhà biệt thự phải bảo đảm tính minh bạch trong việc xác định giá trị ngôi biệt thự. Để làm được điều này, sự tham gia của giới khoa học lịch sử, văn hóa là hết sức cần thiết. Còn đối với những biệt thự giữ lại để bảo tồn thì sẽ ứng xử với nó ra sao? Sử dụng vào việc gì mới là quan trọng vì quản lý tốt chính là bảo tồn lịch sử.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới